Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) vừa trình Chính phủ Dự thảo Luật BHXH sửa đổi. Trong đó, nội dung được nhiều người lao động (NLĐ) quan tâm nhất là quy định giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu. Theo Bộ LĐ-TB-XH, quy định giảm số năm đóng để được hưởng lương hưu nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu.
Xung quanh đề xuất này, Báo Người Lao Động đã có nhiều bài viết phân tích một số hạn chế của Luật BHXH hiện hành và nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc. Bạn đọc Vũ Châu bày tỏ: "Các nhà làm luật cần lưu ý là dân lao động khoảng 45 tuổi gần như bị các nhà máy tìm cách để đuổi việc rồi. Cuộc sống chật vật hiện tại làm gì sống qua tuổi 60 đối với lao động trực tiếp sản xuất". Tương tự, bạn đọc Phan Nghĩa bộc bạch: "Bước qua tuổi 50 đa phần là mắt đã kém sức khỏe đi xuống thêm nhiều thứ bệnh nào là huyết áp cao tiểu đường xương khớp các kiểu..rồi thêm biến chứng hậu COVID nữa nên không biết sống tới ngày cầm sổ hưu không nữa".
Bạn đọc tên Vũ ấm ức: "Cái cần giảm cho phù hợp với thực tế và phần đông người dân mong muốn thì không giảm, chỉ loanh quanh tìm cách giảm cái không phù hợp thì đâu vẫn hoàn đấy. Sao không bao giờ lắng nghe ý kiến mong muốn của người dân vậy?". Một bạn đọc tên Nghĩa góp ý: "Chúng tôi những người làm công việc có yếu tố kỹ thuật đòi hỏi kinh nghiệm và tay nghề cao thường hưởng mức lương vượt khung đóng BHXH bắt buộc ở mức cao luôn được các công ty ưu ái giữ lại không bao giờ sa thải nhưng khi đến tuổi nghỉ hưu cầm đồng lương hưu mức hưởng 75% của BHXH mà thấy nản không biết khái niệm "đóng nhiều hưởng nhiều " của BHXH nằm ở đâu? Nên chăng việc cần thay đổi là cách tính lương hưu của khối trực tiếp sản xuất và khối nhận lương từ ngân sách là như nhau".
Một bạn đọc giấu tên bày tỏ việc sửa Luật BHXH cần thông thoáng, phù hợp với tuổi tác, số năm đóng. Người đóng trên 20, 30 năm nên cho họ lựa chọn nghỉ hưu hay tiếp tục tham gia, bởi chỉ có người lao động biết sức khỏe, trình độ, hiệu suất công việc". Cùng góc nhìn, bạn đọc Võ Hồng Minh bày tỏ: "Người lao động chỉ mong được giảm tuổi nghỉ hưu, nên giữ tuổi nghỉ hưu như cũ là nam 55 tuổi và nữ 50 tuổi". Bạn đọc Lê Hồng Công đặt câu hỏi: "Luật BHXH cũ NLĐ nam và nữ đóng tính 15 năm được hưởng 45%, cứ thêm 1 năm nam 2%, nữ 3% đang hay? Giờ tự nhiên thay đổi làm mất công bằng? Nữ 15 năm được tính 45%, nam phải 20 năm mí được tính 45%? Các vị xem thấy có đúng không?".
Bạn đọc Huỳnh Anh cũng bức xúc không kém: "45-50 tuổi thì công ty nào tuyển nửa mà giảm số năm để tạo cho nhiều người tham gia BHXH. Vì sao cứ tránh né không chịu giảm tuổi hưu". Tương tự, một bạn đọc giấu tên ấm ức: "Nghỉ hưu trước tuổi mỗi năm trừ 2% lương NLĐ đã bị thiệt rồi, nhưng còn yêu cầu phải giám định bị mất sức khỏe từ 61% trở lên cái này là vô lý nhất khiến cho NLĐ không mặn mà với BHXH.
Theo nhiều bạn đọc, Nhà nước nên giảm tuổi nghỉ hưu là hợp lý nhất. 55 tuổi trở lên đối với lao động nam và 53 tuổi trở lên đối với lao động nữ. Còn ai có nhu cầu làm việc thêm thì tùy vào khả năng của từng cá nhân lao động đó. Bạn đọc Nguyễn Văn Tuấn góp ý: "Hiện tại người lao động gần như ai cũng sử dụng ứng dụng BHXH Vssid, vậy sao cơ quan BHXH không đưa các phương án vào ứng dụng đó để khảo sát ý kiến người lao động, có như vậy sẽ nghe được tiếng nói mong muốn của người tham gia BHXH". Theo bạn đọc Đỗ Quyết Thắng, nên có 1 cuộc khảo sát điều tra nguyện vọng của người lao động trên toàn quốc cho thật kỹ trước khi đưa vào luật. Vì độ tuổi nghỉ hưu như hiện nay chỉ phù hợp với những người làm công chức, viên chức. Còn người làm ở trong các Doanh nghiệp tôi thiết nghĩ rất ít % số người dc nhận sổ hưu đúng độ tuổi.
Bình luận (0)