32 tuổi, 10 năm làm việc, nói về đam mê của mình, Trần Bảo Giang - Phó quản đốc phân xưởng Nhà máy Thuốc lá Bến Thành (thuộc Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn) - vẫn chỉ duy nhất niềm đam mê: máy móc và máy móc!
Ăn, ngủ cùng máy móc
Làm việc ở công ty đã lâu và có kha khá sáng kiến nhưng người thợ cơ khí ấy vẫn ấn tượng nhất với sáng kiến đầu tiên của mình. Đó là “Chế tạo máy bao YB43A chạy bao thuốc mẫu tự động bỏ xốp”. Vào năm 2008, nhìn thấy công nhân dùng tay bỏ bao xốp vào gói thuốc lá rồi lại bỏ thuốc vào, vừa mất thời gian lại hư hao rất nhiều, Giang nghĩ ra cách dùng máy bỏ xốp vào bao trước. Không ngờ cách làm này đã giúp tiết kiệm được 3 lao động và giảm đáng kể hư hao vật tư, làm lợi cho công ty hơn 100 triệu đồng mỗi năm.
Máy móc đã trở thành một phần cuộc sống của Giang. Anh kể có lần máy hỏng, anh ở luôn trong công ty, ăn ngủ cùng máy, bà xã phải “tiếp tế” quần áo, lương thực cho đến khi sửa xong chiếc máy, sản xuất trở lại bình thường. “Nghe tiếng máy chạy hoặc nhìn vào màn hình là tôi biết ngay máy đang hỏng, lỗi chỗ nào” - anh vui vẻ kể.
Cũng chính bằng niềm đam mê ấy mà năm 2013, Trần Bảo Giang đã làm được một việc mà ban đầu ai cũng nghĩ đó là “nhiệm vụ bất khả thi”. Năm đó, khách hàng đột nhiên yêu cầu sản phẩm chạy cạnh tròn trong khi máy đóng bao của công ty chỉ chạy được cạnh vuông. Khách hàng yêu cầu thì không thể không thực hiện nhưng nhập một chiếc máy mới về giá gần 10 tỉ đồng; cộng thêm chi phí cho chuyên gia ăn, ở, huấn luyện... nhưng chưa chắc có thể đưa vào sản xuất ngay cho kịp tiến độ giao hàng. Ban giám đốc rối bời, công nhân ai cũng lo lắng. Trước tình hình này, Giang xung phong nghiên cứu, cải tiến thử. Suốt 3 tháng ròng mày mò thêm bớt, chuyển đổi vị trí các bộ phận của máy, cuối cùng dây chuyền sản xuất bao cạnh tròn cũng đã ra đời, giúp công ty tiết kiệm 10 tỉ đồng vì không phải mua máy mới.
Dồn sức cho niềm đam mê
Xuất thân từ một gia đình khá giả chỉ có 2 chị em ở Bình Đại, Bến Tre, Giang tự nhận mình ham chơi hơn ham học. Năm 2002, lên TP HCM thi ĐH, chỉ thi một môn đầu, 2 môn sau Giang... trốn đi chơi. Được một thời gian, anh chợt nhận ra mình rất thích cuộc sống sôi động ở TP này và nghĩ nếu không vào học ở một trường nào đó thì sẽ không có cơ hội ở lại TP.
Cuối cùng, Giang quyết định thi vào Khoa Cơ khí Trường CĐ Nghề Cao Thắng. Nhưng thay vì tập trung cho việc học, Giang lại lao vào kiếm tiền bằng cách bỏ thuốc lá, vận chuyển hàng, chỉnh nhạc… “Ngày đó, tôi không biết cơ khí là gì và cũng chẳng biết học để làm gì. Ngày ra trường, để cha mẹ yên lòng vì con có một chỗ làm ổn định nên tôi xin vào Nhà máy Thuốc lá Bến Thành làm. Nói thật, khi đi làm tôi cũng chẳng yêu thích gì nhưng năm 2007, công ty giao cho tôi đứng máy. Tôi bắt đầu mày mò và khám phá ra nhiều thứ hay ho và đam mê lúc nào không biết” - người thợ đạt giải Tôn Đức Thắng tâm sự.
Trước câu hỏi của cha mẹ và mọi người “Sao không học ĐH? Hay là Giang không đủ khả năng?”, năm 2008, Giang tự ôn luyện và thi đậu vào Trường ĐH Bách khoa TP HCM. Nhưng một lần nữa anh lại nhận ra ĐH không phải là đích đến của mình nên lại bỏ học giữa chừng để theo đuổi những khóa học mới về cơ khí. “Khi đã xác định được niềm đam mê của mình, tôi dồn sức cho niềm đam mê ấy. Tôi thích học hỏi từ thực tế bên những chiếc máy hơn là học lý thuyết suông”- Giang tâm sự.
Ông Lê Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Nhà máy Thuốc lá Bến Thành:
Người thợ tài năng
Trần Bảo Giang là thợ cơ khí trẻ, có năng lực và có nhiều sáng kiến, cải tiến cho nhà máy. Chính những sáng kiến của Giang đã giúp công ty thực hiện tốt quá trình sản xuất cũng như bảo đảm tiến độ giao hàng cho khách. Giang còn hết lòng chỉ dẫn cho các thợ mới vào nghề để họ giỏi việc và cũng có nhiều sáng kiến như anh.
Bình luận (0)