Thông tin này không mới nhưng sự chậm trễ của các bộ, ngành trong việc đề ra biện pháp can thiệp hiệu quả để bảo vệ quyền thụ hưởng của NLĐ là điều đáng bàn.
Tình trạng DN giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn, để lại hàng tỉ đồng nợ BHXH không phải mới xuất hiện. Không thể diễn tả nỗi thất vọng cùng cực của NLĐ khi sự can thiệp của các cơ quan chức năng ngay từ đầu chưa đủ mạnh để chế tài, răn đe DN. Mất việc đột ngột trong khi quyền lợi BHXH là con số 0, NLĐ là người thiệt thòi nhất. Không ít vụ, khi DN có biểu hiện chậm đóng BHXH, BHYT, công nhân (CN) đã lên tiếng phản ánh nhưng các cơ quan chức năng đến nơi thì mọi sự đã rồi. Nhiều chủ DN, nhất là DN có vốn đầu tư nước ngoài, làm ăn thua lỗ, chây ì nợ BHXH đã cao chạy xa bay khiến CN khóc ròng. Những lúc ấy, chỉ có tổ chức Công đoàn (CĐ) động viên và có chính sách hỗ trợ NLĐ.
Hiện đã có quy định cho phép các DN đang còn hoạt động nợ tiền đóng BHXH có thể giải quyết quyền lợi cho những NLĐ đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc thôi việc chuyển đơn vị, DN khác; quy định về ưu tiên giải quyết các khoản nợ tiền BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp khi DN giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động. Tuy nhiên, đối với trường hợp chủ bỏ trốn hoặc các DN giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động mà sau khi thanh lý tài sản không còn đủ tiền trả nợ BHXH thì chưa có quy định giải quyết quyền lợi về BHXH đối với NLĐ trong các DN này.
Điều 14 Luật BHXH quy định tổ chức CĐ có quyền khởi kiện các DN trốn, nợ đọng BHXH. Tuy nhiên, theo đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam, sự chồng chéo cũng như khoảng trống về pháp luật hiện hành đã "trói chân" tổ chức CĐ trong việc khởi kiện. Đơn cử như một vụ án tại TP HCM chỉ có 29 CN mà 3 năm chưa xong. Người được LĐLĐ ủy quyền phải đến nơi NLĐ cư trú hoặc tạm trú rồi cùng với số CN đó đến phòng công chứng làm thủ tục ủy quyền, phải đóng 130.000 đồng lệ phí/người. Nếu ở những DN hàng chục ngàn người thì mức độ phức tạp chắc chắn cao hơn.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang triển khai lấy ý kiến đóng góp xây dựng dự thảo Nghị định quy định về quản lý thu nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và bảo đảm quyền lợi của NLĐ. Từ đây đến khi nghị định được ban hành, quyền lợi của hơn 193.000 NLĐ tiếp tục bị treo.
Bình luận (0)