Ông Phùng Văn Thọ (bìa phải) cùng thợ kiểm tra số đàn guitar vừa sơn xong
Thuê thợ về làm… thầy!
Ông Thọ cho biết khoảng thời gian đi bộ đội, ông thích tham gia các hoạt động văn nghệ, đặc biệt là ca hát. Trong đơn vị có người biết chơi guitar. Giờ nghỉ, thấy anh này xách đàn ra chơi là ông “theo sát gót”, ngồi bên cạnh nghe và hát theo. “Âm nhạc nâng đỡ tâm hồn, làm cho mọi mệt nhọc tan biến”- ông Thọ nói.
Đối với anh lính Phùng Văn Thọ của ngày đó, âm nhạc chính là chiếc đàn guitar với cần đàn thẳng tắp, thùng đàn mang những đường cong tuyệt đẹp. Ông Thọ nhớ lại: “Mỗi lần ngắm cây đàn guitar được treo trên đầu giường của đồng đội là tôi lại thắc mắc. Tôi thắc mắc làm sao mà người ta có thể ghép những thanh gỗ, miếng ván nên một nhạc cụ vô cùng duyên dáng như thế?”.
Xuất ngũ năm 1988, khi ấy đang tuổi 25, anh lính Phùng Văn Thọ nghĩ phải học một nghề nào đó. “Có nghề thì dễ ăn nên làm ra. Không nghề nghiệp, chỉ đi làm thuê thì biết khi nào khá nổi?” - ông Thọ lặp lại lời ông tự nói với chính mình khi xưa. Nhưng học nghề gì bây giờ? Sau nhiều đắn đo, cuối cùng, ông chọn học nghề đóng đàn vì đúng với sở thích.
Cách học nghề của ông khá lạ đời. “Lúc đó tôi rất nôn nóng được mở một cửa hiệu bán đàn guitar. Nếu xin phụ việc ở các cơ sở làm đàn guitar để học nghề, đến khi thạo nghề mới mở tiệm thì hơi lâu. Tôi chọn cách mở cửa tiệm trước, thuê thợ giỏi với giá cao về làm và học nghề từ chính… anh thợ của mình!” - ông Thọ cười nhớ lại.
Ngoại hình đẹp, chất giọng hay
Cách làm… không giống ai đã giúp ông Thọ nhanh chóng vừa có đàn do chính tiệm mình làm để bán vừa học được nghề. Tay nghề của ông ngày càng tiến bộ. Tiệm của ông ngày càng đắt khách. Cuộc đời ông từ đó chỉ gắn bó với nghề đóng đàn. Quan trọng hơn, ông đã giải đáp được thắc mắc của mình khi còn đi bộ đội là làm sao người ta có thể ghép những thanh gỗ, miếng ván nên những cây guitar duyên dáng.
“Đóng được một cây đàn guitar không khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận và sự chính xác cao trên từng milimét gỗ. Quan trọng nhất là phải thật sự đam mê với nghề, xem mỗi cây guitar mình làm ra là một tác phẩm nghệ thuật, một đứa con tinh thần. Như thế, người thợ đóng đàn mới có thể tạo ra những cây guitar vừa có ngoại hình đẹp vừa có âm thanh hay được” - ông Thọ đúc kết kinh nghiệm đóng đàn hơn 20 năm của mình.
Sự thành công trong nghề đóng đàn còn mang lại cho ông một chuyện tình đẹp như mơ. Một người mê hát, biết đóng đàn đi chơi thể thao và tình cờ gặp một phụ nữ xinh đẹp biết đàn, mê hát (chính là vợ ông sau này) là chuyện… trời đã se duyên!
Có một điều rất thú vị là nhờ học được nghề đóng đàn guitar thùng, ông Thọ đã truyền nghề lại cho cả 4 người em của mình. Hiện nay, cả 4 người em của ông đều đã ra nghề, có cửa hiệu bán đàn riêng. |
Bình luận (0)