Theo thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm đến nay, cả nước có 20 vụ lừa đảo xuất khẩu lao động (XKLĐ) bị phát hiện, khởi tố, đưa ra xét xử. Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB-XH nhìn nhận do tâm lý nôn nóng muốn đi nhanh, sớm đổi đời, cùng với hạn chế hiểu biết pháp luật của người lao động (NLĐ) nên lừa đảo XKLĐ vẫn cứ diễn ra.
Lê Thái Úc bị cơ quan công an bắt vì hành vi lừa đảo. Ảnh: GIA LAI
“Đội lốt” doanh nhân, cán bộ
Hầu hết các vụ lừa đảo XKLĐ thời gian qua đều do “cò” đội lốt doanh nhân, lấy mác giám đốc công ty để cấu kết với các cá nhân lập đường dây lừa đảo với quy mô lớn.
Trong phiên xử ngày 15-3, TAND TPHCM tuyên phạt bị cáo Trần Thanh Hải, nguyên phó giám đốc Công ty TNHH Sáng Tạo Việt, giám đốc Công ty CP Thương mại Cuộc Sống Mới, 14 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo cáo trạng, sau khi Bùi Ngọc Phương Hiếu, giám đốc Công ty TNHH Sáng Tạo Việt, bị Công an TP Hà Nội bắt (vào tháng 4-2007) và bị xét xử 20 năm tù do lừa NLĐ sang Úc chiếm đoạt hơn 8 tỉ đồng, Hải tiếp tục “sự nghiệp” của cấp trên, đồng thời lập thêm Công ty Cuộc Sống Mới, lấy mác giám đốc để thực hiện hành vi lừa đảo. Bằng thủ đoạn trên, từ năm 2007-2008, Hải đã chiếm đoạt 65.900 USD và 1,4 tỉ đồng của 19 người.
Đã nghèo còn bị lừa tiền
Xem xét các vụ lừa đảo XKLĐ thời gian qua, Cục Quản lý lao động ngoài nước nhìn nhận đối tượng bị lừa đảo chủ yếu là lao động nghèo, trình độ thấp, hạn chế hiểu biết pháp luật. Chỉ vì muốn đi nhanh, ra nước ngoài có thu nhập cao, nhiều người đã bị các cá nhân, tổ chức ngoài luồng lừa đảo rất dễ dàng.
Công ty Suleco (TPHCM) và Airseco (Hà Nội) là hai doanh nghiệp ký hợp đồng tuyển chọn lao động sang Bồ Đào Nha. Vì điều kiện khắt khe, nhiều lao động dù rất muốn vẫn không được tuyển chọn. Lợi dụng điều này, một số đối tượng về các vùng nông thôn chiêu mộ lao động; trong đó có Nguyễn Văn Hòa, nguyên phó giám đốc Chi nhánh Công ty CP Nhân lực Quốc tế Việt tại Ninh Bình. Tháng 6-2011, Hòa lập thêm văn phòng đại diện ở TP Hà Tĩnh và cấu kết “cò” XKLĐ tên Phan Thị Diễm Hằng để lừa đảo chiếm đoạt 28.000 USD của 6 lao động.
Tương tự, tháng 1-2013, sau khi đến thị trấn Kông Chro (huyện Kông Chro - Gia Lai) thăm người thân, Lê Thái Úc (trú tại thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế) khoe có người thân làm giám đốc một doanh nghiệp sản xuất rượu nho ở Pháp đang cần tuyển công nhân với mức lương 50 triệu đồng/tháng. Bằng trò lừa đơn giản trên, Úc đã chiếm đoạt 420 triệu đồng của 21 lao động. Ngày 3-5, Úc bị Công an huyện Kông Chro khởi tố, bắt tạm giam.
Cảnh giác để tránh bị lừa NLĐ khi nhận được thông tin tuyển chọn hoặc có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, cần liên hệ với Cục Quản lý lao động ngoài nước theo số ĐT 043.8249517 (bấm tiếp số máy lẻ 511, 601, 312 hoặc 302); Văn phòng Hỗ trợ lao động ngoài nước số máy 043.9366633. NLĐ cũng có thể liên hệ với sở LĐ-TB-XH nơi thường trú hoặc truy cập trang web http://dolab.gov.vn hoặc hotrolaodongngoainuoc.org để biết thông tin chi tiết về các thị trường lao động, danh sách và địa chỉ các doanh nghiệp được cấp phép XKLĐ. |
Bình luận (0)