Gặp báo giới TPHCM vào cuối năm 2001, trước khi trở về Bangladesh, giáo sư Muhammad Yunus, Tổng Giám đốc Grameen Bank, nói mô hình Quỹ Trợ vốn CEP là một thành công đáng kể của tổ chức Công đoàn (CĐ) TPHCM. Đó là nhờ biết tin vào người nghèo, từ những điều tưởng chừng không mới song không phải ai cũng dám làm, là hãy đến tận cửa người nghèo. Người nghèo có kỹ năng sống, khả năng học hỏi lẫn nhau để cải thiện cuộc sống, họ chỉ cần phương tiện đổi đời.
Tình người sau gánh hàng bông, con giống
Trở lại giáo xứ Hợp An, quận Gò Vấp hay xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh bây giờ, cảnh cũ người xưa đổi thay đã nhiều, song dấu ấn của Quỹ Trợ vốn CEP còn đọng trong lòng nhiều người dân. Không còn những con đường đất lầy lội, ao rau muống xưa giờ đã thành nhà phố, những đồng vốn của Quỹ CEP và nỗ lực mưu sinh của người vay đã giúp họ vượt nghèo.
Sau 10 năm hoạt động, những con số của Quỹ CEP nói lên tất cả. Đến đầu năm 2002, quỹ đã phát vay 419 tỉ đồng đến 199.456 lượt người, trong đó có 12.253 người thoát nghèo. Quỹ trở thành bạn đồng hành với người nghèo theo đúng nghĩa nhất của từ này: Giúp nhau, tin nhau, không chấp nhận sự lười biếng hoặc lạm dụng lòng tin. Bà Nguyễn Thị Hóa, một trong những cán bộ tín dụng lâu năm của Quỹ CEP, nói đến đặc tính đáng quý của nhiều người nghèo là biết lượng sức mình. Chỉ cần vay 500.000 đồng đủ một gánh hàng bông hay 1 triệu đồng mua con giống. Vậy là đủ, làm ăn khá lên, có nhu cầu sẽ vay thêm. Qua sinh hoạt cụm nhóm, người vay biết cách tiết kiệm, tương trợ nhau, cán bộ tín dụng trở thành người nhà, thân thiết.
Thêm tin, thêm hiểu Công đoàn
Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Vân, Giám đốc Quỹ Trợ vốn CEP, người nghèo tìm đến với CEP không phải do quỹ phát vay chỉ bằng tín chấp, mà chính phương thức trao vốn tận tay, lập cụm nhóm liên nhiệm, tiết kiệm và các sinh hoạt cộng đồng mới là nhân tố hấp dẫn và bền vững. Trong quan hệ đó, người vay vốn không ỷ lại, ngày càng tự tin, làm ăn hiệu quả và gắn bó hơn. Khảo sát sau 10 năm cho thấy, có hơn 60% người vay quay vốn 5 lần, số hộ thoát nghèo tăng nhanh: Từ 582 hộ/năm (giai đoạn 1991-1996) đến 1.868 hộ/năm (1997-2001), mức sống tăng bình quân 25% - 30%/năm.
Từ hoạt động của quỹ, đông đảo lao động xã hội hiểu thêm về tổ chức CĐ. Những đồng vốn của Quỹ CEP đến với người nghèo góp phần hình thành 20 nghiệp đoàn. Tiếng lành đồn xa, sau các tổ chức tín dụng quốc tế hỗ trợ, năm 2001 Quỹ CEP bước sang tầm vóc mới: Chương trình hợp tác phát triển cộng đồng giữa hai Chính phủ Úc và Việt Nam đã chọn CEP làm đơn vị thực hiện dự án mở rộng hoạt động tài chính vi mô cho người nghèo tự tạo việc làm. 6 triệu đô la Úc, thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Úc (AusAID) chuyển giao, tập trung hỗ trợ tín dụng nhỏ cho người nghèo ngoại thành TPHCM, dự kiến đến năm 2005 sẽ lập 7 chi nhánh, có 40.000 thành viên tham gia dự án. Ngày 17-8-2001, chi nhánh đầu tiên được thành lập tại huyện Hóc Môn, kế đến là các chi nhánh quận 2, Cần Giờ và ngày 18-7-2002 vừa qua là chi nhánh huyện Củ Chi - chi nhánh thứ tư của dự án và là chi nhánh thứ 12 của Quỹ Trợ vốn CEP. Các ông Stephen Henningham, Tổng Lãnh sự Úc tại TPHCM; Robin Taylor, Bí thư thứ nhất AusAID, lại cùng cán bộ CĐ TPHCM tận tay trao vốn, thăm hỏi từng người nghèo. Ông Tổng Lãnh sự nói, Quỹ CEP đem lại cuộc sống tốt hơn cho người nghèo, trợ vốn là công cụ hữu ích để thực hiện mục đích chung là giảm nghèo tại Việt
100 tỉ đồng và 100.000 thành viên
Bà Phan Thị Ngọc Liễu, Chủ tịch LĐLĐ huyện Củ Chi, cho biết nhiều người nghèo cần vốn làm ăn song khó có điều kiện tiếp cận nguồn vay, lại không có thế chấp và nhiều người quá nghèo, khó trả vốn vay nếu không có phương thức làm ăn hiệu quả. Việc thành lập Chi nhánh CEP huyện Củ Chi với nguồn vốn từ 3 - 4,5 tỉ đồng sẽ cung ứng tín dụng nhỏ cho 12.000 lượt người trong 5 năm, góp phần đáng kể vào việc xóa đói giảm nghèo cho dân. Tại xã Phạm Văn Cội, một trong 28 người vay đầu tiên của dự án, chị Trương Thị Loan, có chồng bịnh liệt do tai biến mạch máu não, nói sẽ dùng vốn mua thêm hàng, chị tin quầy bán tạp hóa sẽ giúp chị và gia đình bớt nghèo.
Mới gần tròn một năm, dự án đã có nhiều khởi sắc, từ 22.000 tăng lên trên 35.000 thành viên tham gia. Đoàn viên hai nghiệp đoàn: Đan giỏ trạc Xuân Thới Sơn và Vận tải 19-5 (huyện Hóc Môn), dân nghèo quận 2, huyện Cần Giờ hầu hết đều làm ăn khá hơn. Quỹ CEP đưa ra chỉ tiêu phấn đấu năm 2011 tăng vốn lên 100 tỉ đồng, thành viên tham gia từ 80.000 - 100.000 người. Đó cũng là chỗ đứng vững chắc của tổ chức CĐ khi đi vào hoạt động xã hội, tham gia phát triển cộng đồng.
Bình luận (0)