Thật hiếm có khi giữa Sài Gòn nhộn nhịp lại nghe được tiếng búa đe chan chát vang lên từng hồi đều đặn giữa một xóm lao động nghèo. Nơi đó là lò rèn của vợ chồng ông Lê Văn Châu (49/6 Nhật Tảo, phường 4, quận 10, TP HCM).
Đồng vợ đồng chồng
Trước mắt chúng tôi là một căn nhà cấp 4 lụp xụp nằm ngay bên hông chợ Nhật Tảo. Nơi làm việc của vợ chồng ông Châu chỉ rộng vài mét vuông.
Khi chúng tôi ghé thăm, vợ chồng ông Châu, người nung lửa, kẻ nâng búa đập liên tục xuống miếng sắt nung đỏ ở trên đe. Mồ hôi nhễ nhại nhưng vợ chồng ông vẫn đều đặn hoàn thiện sản phẩm này đến sản phẩm khác. Hì hục cùng với vợ đến xế trưa, ông Châu mới tắt lửa lò rèn và tiếp chuyện với chúng tôi.
Năm 1982, sau khi lập gia đình, ông Châu làm đủ nghề như thợ hồ, thợ sơn, đạp xích lô... để kiếm sống. Vất vả là vậy nhưng cuộc sống họ cũng không khá hơn. Trong lúc khó khăn ấy, ông Châu được cha vợ truyền lại nghề rèn.
Sức khỏe tốt, bản tính lại thông minh, nhạy bén đã giúp ông Châu học nghề rất nhanh. Từ cách nhóm bếp sao cho ngọn lửa đều, rồi cách chọn than, nguyên liệu...ông Châu rất thuần thục. “Nghề này ngoài sức khỏe còn đòi hỏi sự kiên nhẫn và khéo léo ở người thợ. Thời ấy, rất nhiều thanh niên, trai tráng theo học nghề này nhưng ít người trụ lại được” - ông Châu cho biết.
Gần 1 năm miệt mài học hỏi và nhận thấy nghề này có thể sống được, ông Châu bàn với vợ mở lò rèn ngay tại nhà. Sống với nhau được một thời gian, vợ chồng ông đường ai nấy đi. Ông Châu vẫn ở một mình trong căn nhà nhỏ và tiếp tục làm việc.
Năm 1990, ông đi thêm bước nữa với bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt. Thương người thợ rèn hiền lành, chí thú làm ăn nên bà đã quyết định gắn bó cuộc đời mình với ông. Dù là phụ nữ chân yếu tay mềm nhưng hằng ngày, bà Nguyệt vẫn xắn tay cầm búa, vác đe... phụ giúp chồng. Sự đồng cam cộng khổ ấy giúp lò rèn của họ hàng chục năm qua luôn đỏ lửa.
Luôn trọng chữ tín
Thập niên 1990, lúc nghề rèn còn hưng thịnh, vợ chồng ông Châu phải thuê thợ làm thêm mới đáp ứng được nhu cầu của khách. Ở các tỉnh miền Tây lúc đó, khách hàng rất mê những sản phẩm nông cụ do lò rèn ông Châu sản xuất bởi mẫu mã hết sức đa dạng và độ bền cao.
“Lúc đó, Sài Gòn có đến 40-50 lò rèn nhưng sản phẩm của tôi vẫn hút khách nên gia đình sống khỏe. Có hôm, vợ chồng phải làm cật lực cả ngày lẫn đêm mới kịp giao hàng cho khách” - ông Châu nhớ lại thời hoàng kim.
Những năm gần đây, khi thị trường xuất hiện rất nhiều vật dụng được gia công bằng máy móc và nhập từ nước ngoài với mẫu mã đẹp, nhiều lò rèn tại TP HCM đã đóng cửa, thợ thầy lâm vào cảnh thất nghiệp. Thế nhưng, ông Châu vẫn quyết chí trụ lại với nghề. Những thanh sắt, thép bình thường qua đôi tay khéo léo cộng với niềm đam mê nghề nghiệp mãnh liệt của ông đã trở thành nhiều sản phẩm hữu dụng và có hồn.
Trọng chữ tín nên ông Châu làm rất kỹ. Do vậy, những sản phẩm truyền thống như dao, búa, kìm, xà beng, kéo cắt... của ông vẫn có khách hàng.
“Sản phẩm được sản xuất đại trà thường giống nhau và thiếu đường nét riêng. Nông cụ và đồ dùng trong nhà do lò ông Châu làm dù giá có cao hơn chút đỉnh nhưng độ bền tốt, lại rất có hồn và thể hiện được cái tâm của người thợ” - ông Nguyễn Văn Định, một khách hàng quen thuộc ở Long An, nhận xét.
Tiếp xúc với chúng tôi, bà con hàng xóm cũng dành những tình cảm chân thành cho người thợ rèn hiền lành, chịu thương chịu khó này. Bà Lê Thị Cẩm Nhung, người dân trong xóm, cho biết: “Ông Châu là người hiền lành lại tốt bụng nên bà con ở đây ai cũng quý. Con dao hay cái kéo của hàng xóm bị cùn đều được ông mài miễn phí. Ông cũng rất ý tứ trong công việc, sợ gây tiếng ồn cho hàng xóm nên thường đợi mọi người đi làm hết mới bắt đầu. Nhiều khi không nghe được tiếng búa, đe của ông, chúng tôi lại thấy nhớ”.
Ở tuổi 60, sức khỏe không còn như trước nhưng ông Châu vẫn không bỏ nghề. Dù thu nhập mỗi tháng chỉ đủ để trang trải sinh hoạt nhưng vợ chồng ông vẫn gắn bó với nghề ông bà truyền lại. Lò rèn vẫn đỏ lửa là hạnh phúc của họ.
“Ông bà ta thường nói một nghề cho chín hơn chín mười nghề. Tôi ý thức được điều đó và quyết theo đuổi nghề rèn đến khi nào không còn sức mới thôi. Tôi cũng sẽ hướng con mình theo nghề rèn để chúng biết trân trọng và yêu quý công việc đã nuôi sống cả gia đình suốt những năm qua” - ông Châu tâm sự.
Bình luận (0)