Gần gũi quan tâm người lao động
Công ty Cơ khí và Xây dựng Thăng Long, đơn vị thi công cầu Trung Hà, nhận chỉ đạo từ tổng công ty giao nhiệm vụ phải gấp rút hoàn thành công trình để gắn biển kỷ niệm ngày thành lập Đảng và thông xe trước ngày giỗ tổ Hùng Vương. Công nhân (CN) hối hả, khẩn trương lao động. Trên công trường, họ thấy Chủ tịch CĐ Ngô Văn Thuyết đi đò đến tận mố cầu giữa sông nắm tình hình và động viên anh em làm việc tốt. Khi anh Thuyết xuống cùng sinh hoạt tổ CĐ, một số CN nói vui: “Nếu có phòng máy lạnh, chúng tôi làm việc 24 giờ cũng được”. Vậy mà anh Thuyết để ý, lẳng lặng xuống các nhà xưởng khảo sát môi trường, lập bản thiết kế và đề xuất ban giám đốc công ty chi 10 triệu đồng xây dựng hệ thống phun nước làm mát mái tôn, anh em làm việc dễ chịu hơn nhiều.
Con người anh Thuyết là vậy, luôn gần gũi và thấu hiểu CN, xem CN như người thân trong gia đình. Sau 5 năm mặc áo lính trinh sát đặc công, tháng 11-1975 anh về làm CN Xí nghiệp Liên hợp Cầu Thăng Long (nay là Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long). Vừa học, vừa làm, anh trưởng thành, đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ: cán bộ tổ chức, Bí thư Đoàn Thanh niên và từ năm 1984 là cán bộ CĐ chuyên trách, chủ tịch CĐ tổng công ty. Các CN quý anh vì anh là “chân chạy”, in dấu khắp các công trường. “Chạy nhiều mới hiểu đời sống- việc làm của CN, biết họ cần gì để tìm cách hỗ trợ”, anh tâm sự như vậy. Anh cho biết, trong nhiều nghề, thì nghề xây dựng cầu đường là một trong những nghề nặng nhọc, nguy hiểm. Lao động của CN càng nặng nhọc, thì tuổi nghề ngắn lại là lẽ đương nhiên, những đãi ngộ với CN không bao giờ là đủ.
Quỹ trợ cấp chống thất nghiệp
Đặc thù của ngành là CN lặn lội ở các công trường khi vào mùa cao điểm, lúc không có việc thất nghiệp nằm chờ. Khi xây dựng các công trình trọng điểm, phải huy động cả ngàn người để đảm bảo tiến độ, chỉ tiêu kế hoạch, song khi công trình hoàn tất, cũng có hàng ngàn lao động dôi dư. Làm gì để hỗ trợ CN vượt qua những lúc khó khăn như vậy là câu hỏi day dứt người cán bộ CĐ. Từ trăn trở đó, năm 1992, ban chấp hành CĐ vận động thành lập “Quỹ trợ cấp chống thất nghiệp” (TCCTN). Theo đề án, nguồn quỹ do người lao động (NLĐ) đóng góp tự nguyện từ 1-2% lương tháng và đơn vị trích 5% lợi nhuận sau thuế. Quỹ được chi để trợ cấp cho NLĐ trong thời gian không có việc làm hoặc thu nhập thấp hơn mức lương tối thiểu. Bản quy chế thu chi, quản lý quỹ được CN đóng góp ý kiến trước khi thông qua tại đại hội CNVC và đưa vào thỏa ước lao động tập thể. Các đơn vị thành viên tự quản lý hoạt động của quỹ dưới sự giám sát của CĐ cơ sở và CĐ tổng công ty.
Năm 2000, quỹ đã trợ cấp cho 926 lượt NLĐ với tổng số tiền trên 514 triệu đồng. Anh Lê Cảnh Hưng, thợ kích kéo bậc 7/7 Công ty Cầu 5 Thăng Long, kể: “Năm 1995, anh em được điều vào Quảng Ngãi xây cầu Trường Xuân, chưa kịp thi công thì lũ về. Nhờ có quỹ TCCTN, cuối tháng mọi người vẫn có tiền gởi về cho gia đình”. Còn anh Cao Bá Đình, CN Công ty Xây dựng số 6, do hoàn cảnh gia đình không theo được công trình xa, trong khi chờ phân công việc khác, hàng tháng vẫn được nhận một khoản tiền từ quỹ TCCTN. Lực lượng lao động không theo được công trình (chủ yếu là lao động nữ) và gia đình CN khó khăn cũng được vay từ 2 triệu đến 3 triệu đồng/ lần để làm nghề phụ. Quỹ TCCTN còn dùng để đào tạo và đào tạo lại cho NLĐ. Sáu tháng đầu năm 2001, tổng công ty đã chi gần 500 triệu đồng để đào tạo hơn 1.300 lượt lao động. Nhờ đó, NLĐ đứng vững được tại vị trí của mình.
Ban giám đốc tổng công ty cho biết: “Xuất phát từ quyền lợi thiết thực của NLĐ, nên quỹ TCCTN có tác dụng duy trì lực lượng lao động của công ty. Việc duy trì và phát triển quỹ có phần đóng góp to lớn của Chủ tịch CĐ Ngô Văn Thuyết”.
Bình luận (0)