Bắt đầu trở thành người làm việc chuyên nghiệp, nhân sự mới sẽ gặp phải nhiều bỡ ngỡ và số đông vẫn chưa tìm được "cánh cửa" tiếp cận công việc cũng như học cách cư xử phù hợp với môi trường xung quanh.
Lẽ ra…, nhưng…
Cho dù bạn nói: "Tôi không có ý phàn nàn về chế độ đãi ngộ của công ty, nhưng…"; "Lẽ ra tôi không nói về quy định này, nhưng…"; "Tôi có thể làm tốt việc này, nhưng…"; Nói gì thì nói, từ "nhưng" đã phủ nhận hoàn toàn nội dung trong vế trước. Nếu bạn thật sự không muốn phàn nàn thì sẽ không có từ "nhưng" nào cả.
Hãy cân nhắc về cách trình bày suy nghĩ, cho dù bạn được đào tạo chuyên nghiệp hay chỉ là một nhân sự "tay ngang" nhưng có năng khiếu và có thể theo nghề. Khi gặp những khó khăn, điều đầu tiên bạn cần phải nghĩ tới là tìm cách suy nghĩ tích cực nhất. Nếu bạn dễ dãi với từ "nhưng", bạn sẽ sử dụng từ này rất nhiều lần và sẽ để lại ấn tượng rằng bạn luôn bao biện và tư duy tiêu cực.
Sếp ơi, đến giờ nghỉ rồi !
Cuộc họp chưa kết thúc mà bạn đã ngáp ngắn ngáp dài nhìn đồng hồ; đàm phán đang đi vào bế tắc, và bạn buột miệng nhắc: "Sếp ơi, đến giờ nghỉ rồi! Mình ăn trưa đã rồi tính tiếp được không?"
Bạn thử nghĩ xem ai đang là người điều hành công việc? Không lẽ sếp thiếu khôn ngoan hơn nhân viên? Điều tối kỵ là những thông điệp mang tính nhắc nhở, đặc biệt là về nghỉ ngơi, ăn uống. Cho dù cuộc họp vô cùng nhàm chán hay thảo luận cực kỳ căng thẳng, bạn hãy tập trung và đừng nói những câu "điểm huyệt" cáu giận các sếp. Nói câu này, bạn sẽ rất dễ lâm vào cảnh thất nghiệp vì trong mắt sếp bạn trở thành kẻ không biết điều.
"Tôi không thể"
Được giao việc tức là có cơ hội để khẳng định mình, nhưng bạn hoang mang vì không biết phải làm sao để hoàn thành nhiệm vụ. Có quá nhiều khó khăn và bạn biết chắc mình không thể đảm đương. "Không! Tôi không thể làm việc này!" – bạn lập tức thẳng thắn bày tỏ lo ngại.
Liệu có thật sự là bạn không thể? Một khi các sếp đã giao nhiệm vụ, cắt đặt nhân sự, nhắm hướng phân bổ thì ít khi sai. Hơn nữa, thay vì lo lắng, sợ hãi, tại sao bạn không nghĩ rằng có rất nhiều phương án để phản hồi. Một - đề nghị sếp cho thêm thời gian để suy nghĩ, tìm cách hoàn thành; hai - xin bổ sung nguồn lực, bao gồm cả nhân lực và/hoặc tài chính cần thiết để giải quyết công việc; ba – vượt qua thách thức và khám phá năng lực nội tại của bản thân… Dù gì đi nữa, hãy nhớ rằng không có bất cứ sếp nào lại thích nghe nhân viên nói: "Tôi không thể".
Tôi chỉ làm được đến thế !
Bạn hào hứng hoàn thành nhiệm vụ nhưng sếp không đánh giá cao công sức của bạn. Ngay sau đó, khi được giao nhiệm vụ mới, trong lòng ấm ức, bạn dằn dỗi nói: "Tuỳ sếp cân nhắc, nếu sếp thấy được, hay là giao cho bạn khác. Tôi chỉ làm được đến thế!" Nói câu này, bạn có khả năng năm năm không được tăng lương.
Sếp giỏi thường là biết cách giao việc cho nhân viên. Nhưng đừng oán trách, ngay cả khi bị giao việc mà không nhận được bất kỳ lời khen tặng nào. Bạn không phạm lỗi và không bị khiển trách đã là tốt rồi. Được giao việc, hãy làm hết sức; tự giám sát chính mình chứ không chờ người khác vạch lỗi; hoàn thành tốt không trông đợi lời khen, bắt tay vào công việc mới ngay khi kết thúc nhiệm vụ cũ. Hãy nhớ rằng sự ghi nhận lớn nhất rất có thể không nói ra miệng trước đám đông mà ở lại trong đầu sếp.
Sếp ơi, em chán !
Bạn cảm thấy nản toàn tập do đủ thứ "đổ lên đầu". Công việc thì chồng chất, đồng nghiệp thì "đâm thọc", nói xấu sau lưng, lương thấp… Đó là tâm trạng thật của bạn, nhưng đừng bao giờ nói với ai ở nơi làm việc, nhất là nói với sếp, dù bạn nghĩ bạn thân thiết với sếp cỡ nào.
Cách tốt hơn để đi qua khó khăn là nhận diện những thách thức trước mắt và đề nghị các giải pháp. Nếu bạn than chán với đồng nghiệp, rất có thể chính người bạn cùng phòng sẽ là đối thủ đẩy bạn ra khỏi vị trí đương nhiệm. Còn nếu người nghe câu này là sếp của bạn, thì bạn thử nghĩ xem mình có thể thăng tiến được không? Các lãnh đạo hết sức cân nhắc khi đưa bất cứ nhân sự nào vào một vị trí quan trọng trong cơ quan và điều kiện tiên quyết là không có từ "chán" xuất hiện trong "từ điển công việc".
Tôi biết một lãnh đạo trong số rất nhiều lãnh đạo của Ngân hàng Vietcombank, trong một giai đoạn mà công việc của chị gặp khó khăn do nhiều yếu tố, chị không than một câu, thay vì nói "chán", chị viết lên một tấm thiệp: "Cảm ơn vì làm việc với chị, em học được quá nhiều!" Tấm thiệp đó, chị không gửi tới người lãnh đạo của mình mà chỉ để lên bàn làm việc để nhắc nhở bản thân hướng suy nghĩ đến những điều tốt đẹp. Ngay cả khi đã trở thành lãnh đạo bộ phận, phòng ban, bạn vẫn gặp phải nhiều chông gai. Không có con đường nào trải đầy hoa hồng dẫn bạn đến thành công, và câu chuyện này tặng bạn một bài học sâu sắc về tư duy tích cực.
Bình luận (0)