Khi có ai đó khen mình, anh Nguyễn Hoàng Lang, nhân viên phục vụ phòng khách sạn Saigon Star (quận 3, TP HCM), gãi đầu cười: “Tôi không nghĩ đó là việc tốt. Ai trong hoàn cảnh của tôi cũng làm thế thôi”. Anh Lang vừa được LĐLĐ quận 3, TP HCM tuyên dương gương “Người tốt, việc tốt”.
Nghèo nhưng không tham
Hiền lành, chất phác là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi tiếp xúc với anh Lang. Tốt nghiệp ngành phục vụ buồng Trường Trung cấp Du lịch và Tiếp thị quốc tế, anh Nguyễn Hoàng Lang về khách sạn Saigon Star làm việc. Không chỉ làm việc chăm chỉ, anh còn tốt bụng, không tham lam, nhiều lần nhặt được và trả lại đồ vật cho khách hàng, khi thì điện thoại, máy tính, lúc thì tiền, có khi là vàng... Anh kể: “Mới tháng trước dọn dẹp phòng karaoke, phát hiện khách bỏ quên 1 nhẫn vàng và 1 chai rượu Tây. Tôi đã mang ra cho quản lý để trả lại khách. Cái nhẫn nhỏ có thể bỏ túi được nhưng lương tâm không cho phép tôi làm thế. Mỗi lần nhặt được đồ và mang trả lại, tôi được khách sạn biểu dương và khen thưởng 100.000 đồng. Số tiền tuy nhỏ nhưng tôi thấy vui và tự hào về việc làm của mình”.
Mọi người càng yêu quý, cảm phục hơn khi biết hoàn cảnh gia đình anh Lang còn rất khó khăn, phải ở nhờ nhà chị vợ. Vợ anh lãnh hàng gia công về nhà làm, thu nhập khá bấp bênh. Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Trưởng Phòng Hành chính Tổ chức khách sạn Saigon Star, cho biết: “Lang là người rất nhiệt tình trong công việc, lại hết lòng giúp đỡ, choàng việc cho anh em khi họ bận rộn hay gặp khó khăn”. Còn ông Michell Nguyễn, Việt kiều Mỹ, kể: “Tết Nguyên đán hằng năm tôi đều về Việt Nam và ở tại khách sạn Saigon Star nên tiếp xúc nhiều với anh Lang. Anh không chỉ là nhân viên chăm chỉ còn là người tốt, không tham lam, vụ lợi”.
Tin vào những điều tốt đẹp
Những năm gần đây, các phương tiện truyền thông thường xuyên thông tin về việc ngày càng nhiều người vô cảm với cuộc sống xung quanh. Các hành vi như hôi của, thấy người gặp tai nạn không giúp đỡ, thanh niên không biết nhường ghế cho trẻ em, người già... trở nên phổ biến. Tuy nhiên, theo chị Trần Hồng Diễm, kế toán Trung tâm Bảo trợ xã hội và trẻ em thiệt thòi (quận 3, TP HCM), đó không phải là bản chất của xã hội mà chỉ là hiện tượng riêng lẻ. Chị tâm sự: “Tôi thấy xung quanh mình vẫn có rất nhiều người tốt, giúp đỡ người khác vô tư, nhiệt tình. Tôi tin vào những điều tốt đẹp trong xã hội và sống đúng với những điều mình đã được học hỏi, dạy dỗ”.
Tháng trước, trên đường đi làm về, ngang qua ngã tư đường Điện Biên Phủ - Nguyễn Thông (quận 3, TP HCM), chị Hồng Diễm gặp một người bị tai nạn giao thông đang nằm bất động, bên cạnh là một cụ già. Chị dừng xe lại. Thấy vậy, nhiều người cũng ghé vào cùng đưa người phụ nữ bị nạn vào bệnh viện. Sau đó, chị đi mua bông băng, thuốc đỏ về sơ cứu cho bà cụ rồi đưa cụ về tận nhà. “Nhiều người hiện nay rất ngại giúp đỡ người bị nạn vì sợ gặp rắc rối. Nhưng ai cũng nghĩ thế thì lấy ai giúp đỡ người bị nạn? Nếu người thân của mình bị nạn thì sao? Chính vì suy nghĩ thế nên tôi đã quay lại giúp đỡ bà cụ” - chị Diễm tâm sự.
Làm kế toán nhưng khi cô giáo không cho các bé ăn kịp, chị cũng đến giúp. Những khi đưa các bé ra ngoài vui chơi, khám bệnh, chị cũng phụ một tay. Chị kể: “Đa số bé là trẻ mồ côi nên rất cần tình thương, sự chăm sóc. Khi chăm sóc các bé, được kêu một tiếng “má”, tôi cảm thấy rất ấm áp”.
Bà Phạm Thanh Trang, Chủ tịch CĐ Trung tâm Bảo trợ xã hội và trẻ em thiệt thòi, nhận xét: “Tính Diễm hay giúp đỡ người khác. Khi anh em ở trung tâm nằm viện mà không có người thân chăm sóc, Diễm tình nguyện đến giúp. Nhà anh em, đồng nghiệp có ma chay, hiếu hỉ chị cũng đến hỗ trợ. Chính vì thế, mọi người và các bé ở trung tâm đều yêu quý Diễm”.
Nhân rộng gương “Người tốt, việc tốt”
Ông Nguyễn Việt Cường, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, nhìn nhận có rất nhiều CNVC-LĐ hoàn cảnh còn khó khăn nhưng họ không tham lam của rơi, không vô cảm trước khó khăn của người khác. Các cấp CĐ cần động viên, khen thưởng kịp thời cũng như nhân rộng gương “Người tốt, việc tốt” để ngày càng có nhiều bông hoa đẹp trong CNVC-LĐ.
Bình luận (0)