Trong khi các cuộc ngừng việc tập thể vào tuần qua chưa kịp lắng dịu thì ngay trong tối 26-6, hàng trăm công nhân (CN) Công ty Teratex (quận 12-TPHCM) lại ngừng việc đòi giảm tăng ca, tăng thu nhập. Vấn đề tăng thu nhập đã trở thành đòi hỏi chính của các cuộc ngừng việc. Thực tế này đã cho thấy quy định về tiền lương và cơ chế thương lượng tiền lương hiện nay đang quá bất cập.
Hậu quả tất yếu
Cả ngàn cuộc ngừng việc tập thể trong 10 năm qua được các cấp CĐ TPHCM thống kê, hầu hết xuất phát từ nhu cầu nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Trong cả một thời gian dài, VN là nơi có giá nhân công thuộc hàng rẻ nhất thế giới. Điều này đã hấp dẫn các nhà đầu tư, chủ yếu là các ngành thâm dụng lao động. Đến nay, VN đã trở thành nơi gia công lớn trong khu vực. Hệ quả của giá nhân công rẻ là đời sống CN ngày càng tồi tệ. Từ đó làm nảy sinh mâu thuẫn, tranh chấp, ngừng việc tập thể. Nhiều nhà nghiên cứu về quan hệ lao động cho rằng tranh chấp lao động là hệ quả tất yếu của chính sách nhân công giá rẻ.
Thế nhưng dường như đến nay, nhân công giá rẻ vẫn được nhìn nhận như một lợi thế của VN. Điển hình là trong thời điểm áp lực tranh chấp căng thẳng do tiền lương thấp như hiện nay, khi được tin Ủy ban châu Âu (EC) bãi bỏ ưu đãi thuế quan đối với da giày VN, Hiệp hội Da giày VN (một ngành sử dụng hơn 550.000 lao động) vẫn lạc quan cho rằng điều đó không ảnh hưởng lớn đến ngành này bởi chúng ta có lợi thế cạnh tranh của nguồn nhân công giá rẻ! Tâm lý này đã làm ngành giày đến nay vẫn không thoát khỏi phận gia công và đây cũng là ngành có số vụ tranh chấp, ngừng việc tập thể cao nhất. Tiếp đến là các ngành dệt may, lắp ráp điện tử... Tuy thu nhập có khá hơn chút đỉnh so với ngành giày nhưng cũng không thể giải quyết được những mâu thuẫn, tranh chấp về tiền lương. Nhiều doanh nghiệp (DN) gia công thừa nhận, đây là cái giá phải trả cho việc dùng tiền lương thấp để cạnh tranh.
Bất bình đẳng trong thương lượng
Việc Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đã hạn chế được việc DN áp đặt tiền lương quá thấp của DN đối với lao động giản đơn nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu cho người lao động (NLĐ). Còn tiền lương thực tế được trả theo giá thị trường, thuận mua vừa bán. Nhưng một bất cập hiện nay là sự thỏa thuận giữa NLĐ và chủ DN diễn ra trong sự không tương đồng về vị thế của hai bên. NLĐ vì đời sống khó khăn, cần việc, trình độ thấp... làm sao có thể đặt điều kiện ngang hàng với chủ DN? “Kịch bản” hiện nay là DN đưa ra mức lương thấp; NLĐ chấp nhận thì làm, hoàn toàn không có chuyện NLĐ “ra giá”.
Thay vì sử dụng lương tối thiểu để làm căn cứ xây dựng thang, bảng lương phù hợp với tay nghề, kỹ năng của NLĐ thì DN lại xem đấy như là một thứ “vũ khí” để đối phó với cơ quan chức năng. “Chúng tôi đã trả cao hơn lương tối thiểu” là lập luận mà nhiều DN đưa ra để biện hộ cho việc trả lương thấp. Nhiều cơ quan chức năng lại tin rằng DN làm như vậy là đúng mà không biết CN muốn có thu nhập khá hơn phải tăng ca, thực hiện chuyên cần, không nghỉ phép năm, thực hiện định mức cao... Nguy hiểm hơn, mức lương thấp kéo theo các chế độ BHXH; trợ cấp thôi việc, ốm đau, thai sản tai nạn lao động, hưu trí... cũng thấp. Ông Nguyễn Huy Nam, Phó Giám đốc Công ty In Đa Sắc (quận 11-TPHCM), nhìn nhận: “Điều đó làm cho lương hưu của NLĐ sau này sẽ không đủ sống. Trong tương lai, đây là gánh nặng xã hội”.
Triệt tiêu nhân tố tích cực
Một trong những biện pháp ổn định quan hệ lao động là thiết lập cơ chế đối thoại. Thế nhưng hiện nay, điều này không được thực hiện. Thay vào đó, không ít chủ DN chọn giải pháp tiêu cực là “khoanh vùng” những CN tích cực, dám đề xuất kiến nghị để cô lập, sau đó loại họ ra khỏi DN. Điển hình, cách đây không lâu, CN Công ty TNHH Allied VN (100% vốn Singapore, quận 9- TPHCM) khi kiến nghị cải thiện điều kiện làm việc, lương bổng, BHXH... không được xem xét, họ đã ngừng việc. Sau đó, công ty đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ với gần 20 CN- những người tích cực đòi quyền lợi cho NLĐ. Hoặc trong vụ ngừng việc mới đây tại Công ty Kollan (KCX Linh Trung I – TPHCM), công ty cũng đã “khoanh vùng” để sa thải 43 CN. Song, CĐ các KCX-KCN TPHCM đã can thiệp kịp thời.
Như vậy, rõ ràng những CN có ý kiến tích cực thường phải đối mặt với nguy cơ bị cô lập, gây khó, thậm chí bị tìm cách đẩy khỏi DN.
Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội: Phải sửa đổi chính sách tiền lương tối thiểu Chính sách tiền lương tối thiểu của chúng ta hiện nay đang bảo vệ quyền lợi của những CN tay nghề thấp. Theo khuyến cáo của nhiều chuyên gia lao động, chính sách tiền lương tối thiểu phải bảo vệ CN yếu thế chứ không chỉ bảo vệ CN tay nghề thấp. Do vậy, chính sách tiền lương tối thiểu cần phải được sửa đổi. Ông Vũ Văn Hòa, Trưởng Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM: Cơ quan chức năng không hướng dẫn... Tiền lương tối thiểu được điều chỉnh từng năm, trong khi mức trượt giá thì hằng tháng, hằng quý. Khi thay đổi tiền lương tối thiểu, các cơ quan chức năng chỉ hướng dẫn điều chỉnh tiền lương thấp hơn lương tối thiểu mà không hướng dẫn điều chỉnh đối với mức lương đã cao hơn lương tối thiểu. Đây cũng là một nguyên nhân gây nên ngừng việc thời gian qua. |
Đòi hỏi hoàn toàn chính đáng Tại hội nghị của Ủy ban MTTQ TPHCM sáng 27-6, nhiều ý kiến bày tỏ bức xúc trước tình hình ngừng việc tập thể của CN trong thời gian qua và chỉ rõ nguyên nhân chính là do đời sống CN khó khăn, đồng lương không đủ sống. Ông Nguyễn Đức Hoan, Chủ tịch Hội Dệt may TPHCM, cho rằng: “Với đồng lương từ 1 triệu đến 1,2 triệu đồng, năm trước, CN còn cố bám được, nay thì khó sống nổi. Do đó, đòi hỏi của CN về tiền lương hiện nay là hoàn toàn chính đáng. Điều đáng lưu ý là đa số DN do người Việt làm chủ ít xảy ra tranh chấp, ngừng việc tập thể do CN được đối xử có tình, có nghĩa”. Nhà ở cho CN cũng là vấn đề được các đại biểu nhắc đến với nỗi băn khoăn lớn. Một số đại biểu cho rằng để CN thiếu nhà ở cũng có một phần trách nhiệm của chính quyền, bởi trước đây, khi làm khu công nghiệp, việc quy hoạch nhà ở cho CN không được các ngành, các cấp tính đến. Mặt khác, khi chủ DN sẵn sàng đầu tư xây dựng nhà ở cho CN thì cũng gặp khó khăn về đất. Thay mặt lãnh đạo TP, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM, cho biết: TP luôn ủng hộ, khuyến khích các DN đầu tư xây dựng nhà ở cho CN. TP sẽ tìm mọi biện pháp nhằm tháo gỡ, hỗ trợ, tạo điều kiện để DN xây nhà ở cho CN. M.Nam |
Bình luận (0)