Tuy nhiên, cùng với những cơ hội cũng kéo theo không ít thách thức trong đó có bài toán về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Người lao động đang thiếu hụt các kỹ năng
Phát biểu tại Hội thảo "Giải pháp mới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trước thềm CPTPP" ngày 5-4 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, TS. Lê Kim Dung, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) nhận định, nguồn lao động Việt Nam dồi dào và ổn định. Tuy nhiên chất lượng nguồn lao động vẫn còn nhiều điểm phải bàn. "Tỉ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo còn thấp, thiếu hụt lao động có tay nghề cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập. Ngoài ra, khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động ngày càng lớn. Khi xem xét vấn đề thất nghiệp theo góc độ, trình độ chuyên môn kỹ thuật thì tỉ lệ thất nghiệp đang có xu hướng gia tăng trong số lao động có trình độ cao", TS. Lê Kim Dung nói.
Theo số liệu khảo sát của Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), 2/3 số DN Việt Nam cho biết phần lớn người lao động (NLĐ) đang thiếu hụt các kỹ năng cần thiết cả về chuyên môn và các kỹ năng nòng cốt khác. Còn theo Báo cáo PCI công bố mới đây, nguồn nhân sự, kỹ sư giỏi tại Việt Nam vẫn khan hiếm, với 55% doanh nghiệp (DN) cho biết họ tương đối khó và 19% DN đánh giá là khó có thể tuyển được lao động loại này. Đặc biệt, gần 60% DN FDI gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân lực cho các vị trí đòi hỏi nhiều kỹ năng như quản lý, giám sát và giám đốc điều hành/giám đốc tài chính. Báo cáo PCI cũng cho biết, các DN FDI đánh giá chất lượng đào tạo và hiệu quả lao động của Việt Nam năm 2017 chỉ đạt 3,8 điểm. Vì vậy, DN phải chi nhiều tiền hơn cho hoạt động đào tạo khi tuyển dụng nhân sự mới.
Từ thực tế đó, nhiều chuyên gia cho rằng, những yếu kém này nếu không được khẩn trương khắc phục thì không những chúng ta không thể tận dụng những cơ hội tốt về thu hút vốn và công nghệ qua FDI, mà còn có nguy cơ các nhà đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam chuyển sang các nước khác hoặc các nhà đầu tư tiềm năng dè dặt hơn khi quyết định làm ăn ở Việt Nam, đặc biệt là khi nhìn nhận trong bối cảnh Hiệp định thương mại CPTTP đã được ký kết.
Từ góc độ vĩ mô, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng nền kinh tế Việt Nam mặc dù tăng trưởng nhanh nhưng chất lượng không cao thể hiện ở năng suất lao động và trình độ quản trị DN còn thấp. Vì vậy, "nâng cao chất lượng nguồn nhân lực không chỉ giúp các DN lớn mạnh mà chính là ‘hạt nhân’ thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Từ đó, việc cải cách hệ thống giáo dục đào tạo đang là yêu cầu quan trọng hiện nay".
Tăng cường liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp
Theo TS. Vũ Tiến Lộc, để nâng chất lượng nguồn nhân lực, các cơ sở đào tạo phải xây dựng khung, chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thị trường, thực chất và rút ngắn thời gian hơn. Cùng với đó, cần thực hiện hệ thống giáo dục kép, tăng cường mối liên kết giữa nhà trường và DN, rút ngắn khoảng cách xưởng-trường.
Nhấn mạnh vai trò của các DN trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ông Lộc cho rằng DN không nên chỉ là người đặt hàng của ngành giáo dục mà cũng nên là người đầu tư, chủ nhân của hệ thống giáo dục. Ông Vũ Tiến Lộc cho biết, VCCI cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã kêu gọi các DN hợp tác với ngành giáo dục trong việc cải cách hệ thống giáo dục. Đặc biệt thay đổi tư duy và phương thức tổ chức giáo dục dạy nghề ở Việt Nam theo 6 hướng đồng hành, hợp tác. "Trong đó, DN dự báo nhu cầu và đặt hàng với cơ sở đào tạo; tham gia xây dựng giáo trình cùng các cơ sở; tham gia giảng dạy; là nơi học viên thực tập, thực hành trong quá trình đào tạo; cùng cơ sở đào tạo kiểm định chất lượng của giáo dục đào tạo và là nơi tiếp nhận và sử dụng nguồn lao động", ông Lộc cho biết
PGS. Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển DN thì cho rằng, việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên chưa được thực hiện tốt. "Trên thực tế, các em lựa chọn nghề nghiệp theo tác động xã hội, gia đình chứ chưa thực sự biết bản thân có ưu điểm gì, phù hợp với công việc nào. Bên cạnh đó, công việc hướng nghiệp thường được tiến hành khá trễ và không mang tính xu hướng. Có những ngành nghề trong 3-5 năm nữa- thời điểm các em ra trường đi làm có nhu cầu rất cao thì chưa ai dự đoán và định hướng được", ông Quân nói.
Theo ông Quân, nếu muốn có lực lượng lao động chất lượng, đóng góp vào những ngành nghề tạo nên sự phát triển thì cần có những định hướng khác ngay từ cấp giáo dục mầm non, tiểu học để các em có cái nhìn đa dạng hơn về những ngành nghề trong xã hội và hình thành ý thức tự lựa chọn, quyết định công việc phù hợp với bản thân chứ không đi theo số đông.
Bình luận (0)