Chiều 19-5, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương gặp gỡ hàng loạt cơ quan báo chí công bố những giải pháp nhằm lập lại trật tự, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh sau vụ gây rối khiến hàng trăm nhà máy tỉnh này bị đập phá và khoảng 20 nhà máy bị phóng hỏa.
Hỗ trợ công nhân tìm việc
Tại cuộc gặp gỡ, Báo Người Lao Động đặt câu hỏi: “UBND tỉnh sẽ làm gì để khôi phục lòng tin của các nhà đầu tư đã bị sứt mẻ sau vụ gây rối vừa qua?”. Ông Trần Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, trả lời: “Nhà máy bị đập phá thì có thể khôi phục lại trong thời hạn ngắn, còn khôi phục lòng tin của nhà đầu tư thì rất khó nhưng tỉnh tin sẽ làm được nhờ nỗ lực tự thân, sự hỗ trợ của trung ương và các tỉnh bạn. Chúng tôi sẽ làm từ những điều nhỏ nhất để khôi phục lại uy tín, danh dự của Bình Dương”. Ông Nam cũng công bố hàng loạt giải pháp đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương thống nhất thực hiện. Theo đó, UBND tỉnh giao chủ tịch UBND huyện, thị xã, TP trực tiếp chỉ đạo ban, ngành phối hợp với Ban Quản lý KCN và các doanh nghiệp (DN) bị thiệt hại tiến hành thống kê, xác minh mức độ thiệt hại, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh trong tuần này. Sau khi có số liệu thiệt hại, UBND tỉnh sẽ đưa ra các biện pháp hỗ trợ DN như: miễn tiền thuê sử dụng đất, giảm thuế thu nhập DN; kiến nghị hỗ trợ vay vốn lãi suất ưu đãi… Cũng tại cuộc họp báo, ông Trần Văn Liễu, Trưởng Ban Quản lý các KCN Bình Dương, cho biết đến sáng 19-5, đã có hơn 80% DN trong các KCN hoạt động trở lại. Riêng đơn vị quản lý KCN Việt Nam - Singapore (Thuận An - Bình Dương) cho biết có 269/326 DN hoạt động trở lại. Hơn 60.000 công nhân (CN) ở KCN này cũng đã trở lại nhà máy.
Theo ông Nguyễn Phùng Trung, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Bình Dương, hơn 20.000 lao động ở Bình Dương đang bị ngưng việc sau sự cố gây rối. “Để giúp họ ổn định cuộc sống, Trung tâm Giới thiệu việc làm của tỉnh sẽ giới thiệu việc làm mới cho số lao động này. Đối với CN mất việc, tỉnh sẽ đơn giản hóa thủ tục để giải quyết BHXH, BHTN” - ông Trung nói. Đại tá Nguyễn Hoàng Thao, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, cho biết cơ quan này đã bắt giữ 1.036 đối tượng gây rối trật tự công cộng, chiếm đoạt tài sản... Hiện Cơ quan CSĐT cùng VKSND đã phân loại và xác định xử lý hình sự hơn 700 đối tượng. “Trong 20 DN bị cháy thì 2 DN có vốn Trung Quốc, 2 DN trong nước, còn lại chủ yếu của Đài Loan. Kẻ xấu đó là ai chúng ta sẽ từng bước vạch mặt” - ông Nam khẳng định. Hiện Bộ Công an và công an 11 tỉnh, thành đã đến Bình Dương giúp đỡ đẩy nhanh công tác khám nghiệm hiện trường các DN bị thiệt hại nhằm hỗ trợ nhà đầu tư nhanh chóng khôi phục sản xuất; đẩy nhanh tiến độ điều tra vụ án. Hôm nay (20-5), chủ tịch và các phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương sẽ làm việc với Ban Quản lý KCN Việt Nam - Singapore, Hiệp hội Các DN Hàn Quốc và lãnh đạo UBND các huyện, thị để đẩy nhanh quá trình khôi phục sản xuất tại các DN bị thiệt hại.
Siết chặt an ninh
Sau những sự cố đáng tiếc xảy ra ở dự án Formosa, sáng 19-5, các nhà thầu lớn tại Khu Kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh như: Tổng Công ty 36, Điện lực Sơn Tây 3, Licogi 16, Samsung, Posco E&C, Weichen, Thủy lợi 3…và các nhà thầu phụ khác đã làm việc bình thường. Từ sáng sớm, hàng ngàn CN đi ô tô, xe máy đến công trường làm việc. Trước khi vào làm việc, các nhà thầu đã thông báo cho DN tình hình đã ổn định, an ninh, đặc biệt là quyền lợi của CN sẽ được bảo đảm an toàn, đầy đủ. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều cùng ngày, ông Trần Đắc Hòa, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hà Tĩnh, cho biết: “Hoạt động tại Khu Kinh tế Vũng Áng đã trở lại bình thường, CN của các nhà thầu đã quay lại làm việc”. Công tác an ninh tại Khu Kinh tế Vũng Áng cũng được thắt chặt nhằm bảo đảm an toàn cho chủ đầu tư, nhà thầu và CN làm việc tại các hạng mục của dự án. Ngoài các lực lượng biên phòng, công an tổ chức kiểm tra, chốt chặn, huyện Kỳ Anh đã huy động 14 trung đội dân quân tự vệ nhằm bảo đảm an toàn, trật tự trên địa bàn huyện cũng như khu vực Khu Kinh tế Vũng Áng. Thượng tá Võ Trọng Hải, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh, khẳng định tình hình an ninh, trật tự tại Khu Kinh tế Vũng Áng đã ổn định trở lại, các lực lượng chức năng cam kết sẽ bảo đảm an toàn cho các chủ đầu tư, nhà thầu, CN tiếp tục triển khai xây dựng dự án.
Tiếp tục tuyên truyền, vận động công nhân
Trong sáng 19-5, Đoàn công tác của UBND TP HCM, do ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP, dẫn đầu đã đến thăm Công ty TNHH He Chang (100% vốn Trung Quốc; KCN Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh). Công ty TNHH He Chang có 93 lao động, chuyên sản xuất phụ liệu may mặc. Ông Hà thăm hỏi đời sống, việc làm, thu nhập CN và động viên ban giám đốc tiếp tục ổn định sản xuất. “Sau khi tạm ngừng sản xuất, đến nay, 18 DN bị ảnh hưởng đã hoạt động trở lại” - ông Hồ Xuân Lâm, Chánh Văn phòng Ban Quản lý các KCX-KCN TP HCM (Hepza), cho biết.
Liên tục trong những ngày qua, Ban Quản lý Hepza đã tổ chức nhiều đoàn đến thăm và động viên các DN có vốn đầu tư của Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông để trấn an; đồng thời nắm thông tin về tình hình thiệt hại của các DN để đề xuất hướng hỗ trợ. Sau những động thái tích cực của các cơ quan chức năng TP và Hepza trong công tác vận động, tuyên truyền, nhà đầu tư nước ngoài an tâm hơn, tâm lý CN ở các DN đã ổn định. Tại các quận, huyện trên địa bàn TP, đến sáng 19-5, 100% các DN tạm thời đóng cửa đã hoạt động trở lại. Quận Bình Tân có 17 DN vốn đầu tư Đài Loan, Trung Quốc phải tạm ngưng sản xuất trước đó đã khôi phục hoạt động, trong đó có Công ty Pou Yuen với khoảng 97.000 CN. Tại huyện Củ Chi, 17 DN vốn Đài Loan ngừng sản xuất tạm thời do lo ngại CN quá khích cũng đã hoạt động trở lại.
“Ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tình hình biển đảo, LĐLĐ TP yêu cầu LĐLĐ các quận, huyện thường xuyên cử cán bộ xuống các DN, nhất là khu nhà trọ để nắm tình hình; kịp thời phối hợp với cơ quan chức năng giải quyết những sự cố phát sinh” - ông Nguyễn Việt Cường, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, cho biết.
Bình luận (0)