Mải mê học hành, lại quá kén chọn nên ngoài tuổi 30 mà M. vẫn chưa kiếm được người ưng ý để kết hôn. Áp lực “ế chồng” khiến M. khủng hoảng phải nhập viện tâm thần để điều trị.
Được biết, từ ngày học cấp 3, dù được nhiều chàng trai theo đuổi nhưng M. chỉ tập trung học hành. Cả thời sinh viên cô không mảy may đến chuyện yêu đương. Tốt nghiệp đại học bằng giỏi, M. được chuyển thẳng lên hệ cao học.
Ảnh minh họa
Quá áp lực với chuyện kiếm chồng, M. trở nên cáu kỉnh, đi làm về là đóng cửa trong nhà. Đôi khi thấy M. hay la hét, khóc lóc vô cớ. Cô thường xuyên bỏ ăn. Có những buổi sáng dậy đi làm hai mắt M. thâm quầng. Cô rơi vào trạng thái trầm cảm nặng. Bố mẹ có muốn nói chuyện với cô là cô lại cáu gắt bỏ đi.
Rồi M. hay có biểu hiện hoang tưởng chồng mình rất giàu và giỏi. Cô thường xuyên đập phá đồ đạc trong nhà. Khi biểu hiện bệnh quá nặng gia đình mới đưa cô đi nhập viện.
Những phận đời nghiệt ngã
Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, chuyên ngành Tâm thần, trưởng phòng T4, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai kể về trường hợp một kỹ sư giỏi ở Hà Nội bị tâm thần vì phát hiện sự gian trá trong công ty.
“Một nam kỹ sư chế tạo máy người Hà Nội, 27 tuổi. Tốt nghiệp loại giỏi Đại học Bách khoa Hà Nội, anh xin được việc ở một công ty lớn và được cử đến một cơ sở trên Tuyên Quang để làm việc. Anh làm ở phòng KCS (Kiểm tra chất lượng sản phẩm) nhưng việc học và thực tế công việc của anh ta vênh nhau. Làm ở KCS, anh mới phát hiện nhiều lỗi sai của công ty, anh nhắc nhở vị lãnh đạo. Nhưng lãnh đạo không nghe, từ đó ức chế làm anh mất ăn mất ngủ, lo lắng sợ hãi.
Kết quả là anh ta xin chuyển công tác đến một công ty khác, làm KCS của nhà máy đóng tàu Hải Phòng. Anh xuống Hải Phòng làm được khoảng mươi ngày thì anh ta lại phát hiện bản báo cáo của công ty sai với thực tế. Anh ta nhắc nhở, một vị lãnh đạo cho biết rằng đấy là báo cáo thường quy.
Anh ta lại ức chế, mất ngủ, hoảng loạn rồi anh cãi cọ với tất cả mọi người, gây rối, chửi bới. Ông lãnh đạo viết đơn kiện nên gia đình phải cho đi điều trị”.
Chuyện cử nhân bằng khá, giỏi phải vào viện tâm thần điều trị vì áp lực xin việc vài năm trở lại đây không phải chuyện hiếm. Ngay cả những sinh viên ra trường kiếm được việc làm ngay, họ vẫn phải chịu những áp lực tâm lý nặng nề khi thay đổi môi trường sống đột ngột. Nếu không được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng sống, họ dễ bị hụt hẫng và khó hòa nhập với môi trường mới dẫn đến khủng hoảng tâm lý.
Bác sĩ Dũng kể thêm về một trường hợp tâm thần vì bị thuyên chuyển công tác: “Một anh giáo viên ở Hà Nội, tốt nghiệp ĐH Sư phạm chuyên ngành Toán, năm đó 26 tuổi. Anh ta được phân dạy cấp 2. Chuyên ngành dạy Toán nhưng anh lại có một cơ thể cường tráng và yêu thể dục thể thao. Ngoài giờ dạy toán anh dạy thêm thể dục cho các em trong trường. Sau đó nhà trường thấy anh dạy thể dục nhiều quá thì không cho anh dạy toán nữa, điều chuyển anh sang dạy chuyên về thể dục. Điều này khiến anh ta mất ngủ, cho rằng có người theo dõi và hãm hại mình. Dần dần phát triển thành bệnh”.
Bệnh của xã hội hiện đại Theo Tổ chức Y tế Thế giới, có 0,3% dân số thế giới bị bệnh tâm thần phân liệt. Riêng Việt Nam tỷ lệ này hiện là 0,3-0,5%. Với tình trạng hiện tại, đến năm 2020, dự báo về tỷ lệ 20% dân số Việt Nam mắc các loại bệnh lý về tâm thần là khả thi. Những loại bệnh trầm cảm, lo âu… phần lớn rơi vào những người hoạt động trí não nhiều. Các chuyên gia ngành thần kinh cho rằng, xã hội càng phát triển, loại bệnh này càng gia tăng. Theo các BS tâm thần, những người làm việc trí óc rất cần sự tách bạch giữa công việc và thời gian nghỉ ngơi. Cần ngủ đủ giấc, tham gia các sinh hoạt cùng gia đình, bạn bè, chơi thể thao… Ngoài ra, nên bỏ thói quen giải tỏa căng thẳng bằng một điếu thuốc, vài ly bia bởi đó là những chất kích thích sẽ “hỗ trợ” các rối loạn tâm lý khác nếu bị lạm dụng. |
Bình luận (0)