Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pou Yuen (quận Bình Tân, TP HCM)
Phải có lộ trình thực hiện
Điều 60 Luật BHXH năm 2014 được thiết kế theo hướng khuyến khích người lao động (NLĐ) bảo lưu thời gian đã đóng BHXH, tích lũy thời gian đóng BHXH trong quá trình lao động để có thể hưởng lương hưu hằng tháng nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động, thay vì nhận BHXH 1 lần.
Khi NLĐ vẫn còn trong độ tuổi lao động mà nghỉ việc, thì tạm thời chưa giải quyết BHXH 1 lần, mà thực hiện bảo lưu thời gian đóng BHXH để NLĐ tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc, hoặc BHXH tự nguyện, được tính cộng dồn thời gian đã tham gia để được hưởng lương hưu khi về già. Bên cạnh đó, khi NLĐ chưa hết tuổi lao động mà chấm dứt hợp đồng lao động phải nghỉ việc, thì với quy định của chính sách bảo hiểm thất nghiệp NLĐ vẫn được giải quyết trợ cấp thất nghiệp, được hỗ trợ học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm để có việc làm mới. Theo ý kiến của cá nhân tôi, quy định này cũng phù hợp với xu hướng phát triển của hầu hết các nước trên thế giới.
Thế nhưng, vụ ngừng việc của NLĐ ở nhiều doanh nghiệp (DN) tại TP HCM kiến nghị xem xét, sửa đổi những bất cập của Điều 60 của Luật BHXH năm 2014 cho thấy việc áp dụng quy định mới của Luật BHXH cần phải được xem xét thấu đáo ở nhiều khía cạnh.
Do điều kiện lao động và đặc điểm tâm sinh lý nên phần lớn công nhân (CN) dệt may, da giày ít ai làm việc đến tuổi hưu, do vậy họ đều có nguyện vọng nhận trợ cấp BHXH một lần để có thể trang trải sau khi nghỉ làm việc. Việc thu hẹp quyền thụ hưởng theo quy định mới dĩ nhiên sẽ tác động không nhỏ đến tâm lý NLĐ, do vậy theo thiển ý của cá nhân tôi là chưa nên áp dụng, mà cần phải xây dựng lộ trình. Cái cốt lõi là làm sao vừa đảm bảo quyền thụ hưởng của NLĐ, không gây xáo trộn quá lớn về đời sống của họ.
Ông Đinh Tuấn Kiệt, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Vĩ Châu (quận 7, TP HCM)
Phải cho NLĐ quyền được lựa chọn
Theo tôi, Điều 60 Luật BHXH năm 2014 đã thể hiện ý nghĩa tích cực của mở rộng diện bao phủ BHXH, bảo đảm quyền thụ hưởng lâu dài của NLĐ, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội. Tuy nhiên, dù Luật BHXH năm 2014 vẫn chưa có hiệu lực thi hành, thì một bộ phận NLĐ, chủ yếu ở các tỉnh, thành phố phía Nam có kiến nghị được lựa chọn hưởng BHXH 1 lần, hoặc bảo lưu thời gian đóng BHXH như quy định tại Luật BHXH năm 2006. Điều này cho thấy Luật vẫn còn bộc lộ một số bất cập và chưa đáp ứng mong mỏi của số đông NLĐ.
Từ thực tế đời sống và nguyện vọng của NLĐ, tôi ủng hộ quan điểm kiến nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh Điều 60 của Luật BHXH năm 2014 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Tổng LĐLĐ Việt Nam theo hướng: Trước mắt, cho phép NLĐ khi chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu sau 1 năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng BHXH thì có quyền lựa chọn hưởng BHXH 1 lần, hoặc tiếp tục bảo lưu thời gian đóng BHXH như quy định của Luật BHXH năm 2006.
Việc sửa đổi như trên sẽ tạo sự linh hoạt trong giải quyết BHXH 1 lần, đáp ứng được nguyện vọng của NLĐ có thời gian đóng BHXH ngắn có nhu cầu nhận BHXH 1 lần để trang trải cuộc sống trước mắt. Theo tôi, nhất thiết phải sửa đổi Điều 60 Luật BHXH theo hướng linh hoạt hơn
Chị Nguyễn Thị Thu Thủy, Công nhân một DN có vốn đầu tư nước ngoài tại TP HCM
Công nhân khó làm việc đến khi nghỉ hưu
Thu nhập và đời sống của số đông công nhân (CN), nhất là CN ngành thâm dụng lao động hết sức bấp bênh. Bên cạnh đó, điều kiện lao động và mức sống hiện tại dễ khiến họ có suy nghĩ thực dụng trong việc thụ hưởng chế độ an sinh và điều này không thể tránh khỏi. Có nhiều DN thì sau khi sử dụng 10 năm, họ sa thải lao động rồi, chứ họ không nhận tiếp nên NLĐ động phải về quê thôi. Đồng nghiệp của tôi sau hơn 10 năm gắn bó với DN cũng rất mỏi mệt, chỉ muốn nghỉ việc và có một số vốn về quê làm ăn, do vậy đa số đều lựa chọn nhận trợ cấp BHXH một lần.
Dù Luật BHXH 2014 chưa có hiệu lực song việc thu hẹp quyền thụ hưởng của NLĐ đã gây ra những phản ứng tiêu cực, do vậy nhất thiết Quốc hội phải xem xét, sửa đổi theo hướng đảm bảo quyền thụ hưởng của NLĐ. Chúng tôi kiến nghị phải sửa Luật theo hướng linh hoạt, cụ thể là tạm dừng thực thi Khoản 1 Điều 60 và xây dựng lộ trình thích hợp.
Bình luận (0)