Ngày 29-11, LĐLĐ TP Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Đề xuất sửa đổi, bổ sung điều lệ Công đoàn Việt Nam” nhằm đánh giá thực trạng, khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp Công đoàn, ghi nhận ý kiến đóng góp vào quá trình nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Điều lệ công đoàn Việt Nam khóa XII phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Hội thảo có sự tham dự của Thường trực, lãnh đạo Ban Tổ chức - Kiểm tra các tỉnh Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế, lãnh đạo Ban Dân vận, Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng và các CĐCS trực thuộc Công đoàn ngành Trung ương; các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thuộc các tỉnh và TP Đà Nẵng…
Hội thảo "Đề xuất sửa đổi, bổ sung điều lệ Công đoàn Việt Nam" có sự tham gia của lãnh đạo LĐLĐ các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng
Tham luận tại hội thảo, ông Lê Minh Nhân, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết hiện nay chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa đoàn viên và người lao động. Đối tượng tập hợp đoàn viên, người lao động giữa công đoàn ngành Trung ương và địa phương chưa thống nhất, còn đan xen, chồng chéo về thẩm quyền quản lý.
Do đó, ông Lê Minh Nhân đề xuất nghiên cứu bổ sung thêm khái niệm về đoàn viên công đoàn nhằm phân biệt với đối tượng là người lao động trong các thành phần kinh tế khác. Từ việc phân biệt về đối tượng điều chỉnh, Điều lệ cần tập trung chính vào việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các thành viên trong tổ chức Công đoàn.
Trong khi đó, đại diện LĐLĐ tỉnh Quảng Nam đề xuất cần có sự thống nhất trong việc diễn đạt phân công chủ trì, chủ động phối hợp giữa Công đoàn ngành Trung ương với LĐLĐ tỉnh nhằm thuận lợi xây dựng Quy chế phối hợp chỉ đạo, đảm bảo tính thống nhất.
Đồng thời, LĐLĐ tỉnh Quảng Nam đề xuất Tổng LĐLĐ Việt Nam cần có hướng dẫn cụ thể hơn trong thương lượng, nhất là về mối quan hệ giữa CĐCS với tập đoàn, tổng công ty liên quan đến các quy định đảm bảo cho Công đoàn hoạt động, đảm bảo quyền và lợi ích của đoàn viên và người lao động thống nhất trong toàn hệ thống của tập đoàn,…
"Tổng LĐLĐ Việt Nam cần có văn bản gửi các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo việc này", lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Quảng Nam đề xuất.
LĐLĐ TP Đà Nẵng tăng cường các hoạt động chăm lo, hỗ trợ cho người lao động (Ảnh: Ký kết biên bản ghi nhớ, triển khai gói vay ưu đãi 20.000 tỉ đồng cho đoàn viên, người lao động)
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Duy Minh, Chủ tịch LĐLĐ TP Đà Nẵng cho hay, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như biên chế cán bộ, trình độ, năng lực đội ngũ chưa đảm bảo gây áp lực cho việc thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Cán bộ Công đoàn các cấp còn lúng túng trong nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của đoàn viên, người lao động trên địa bàn, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chất lượng việc tham gia với cơ quan thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động, công đoàn, BHXH chưa cao.
Theo Chủ tịch LĐLĐ TP Đà Nẵng, việc LĐLĐ cấp huyện tham gia vào quá nhiều ủy ban, hội đồng, ban chỉ đạo, các cuộc họp, hội nghị đã ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các nhiệm vụ cốt lõi của tổ chức công đoàn cấp huyện. Đồng thời, công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động và trách nhiệm của các bên phối hợp còn nhiều bất cập, hạn chế, không rõ ràng, nên khi xảy ra các tranh chấp lao động, đơn thư khiếu nại, tố cáo và đại diện bảo vệ quyền lợi cho người lao động thuộc Công đoàn ngành Trung ương và tương đương trên địa bàn thì công đoàn cấp tỉnh phải đứng ra giải quyết và đại diện.
"Hội thảo tập trung thảo luận, rút ra những hạn chế, bất cập trong thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của Công đoàn cấp tỉnh, cấp huyện và đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều lệ, đóng góp vào quá trình nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Điều lệ công đoàn Việt Nam khóa XII phù hợp với điều kiện thực tiễn hoạt động công đoàn trong tình hình và nhiệm vụ mới của tổ chức Công đoàn", Chủ tịch LĐLĐ TP Đà Nẵng Nguyễn Duy Minh cho hay.
Bình luận (0)