Mới đây, anh Hồ Viết Khôi, nhân viên Công ty CP Chế biến và Đóng gói thủy hải sản (USPC), KCN Đồng An, huyện Thuận An - Bình Dương, gọi điện thoại đến đường dây nóng Báo Người Lao Động. Anh cho biết: “Ngày 16-7, tôi vào công ty làm việc như mọi khi nhưng bảo vệ không cho vào. Tôi gọi điện đến phòng nhân sự nhưng cũng không được giải quyết. Liên tục các ngày sau đó, tôi có đến công ty nhưng vẫn không được cho vào làm việc”.

Xử lý tùy tiện
Anh Khôi làm việc cho USPC từ ngày 28-6-2004 với công việc là nhân viên kỹ thuật điện. Sáng 16-7, khi bảo vệ công ty không cho vào, anh Khôi thắc mắc thì được trả lời “làm theo yêu cầu của giám đốc”. Câu trả lời từ phòng nhân sự sau đó cũng vậy. “Trong quá trình làm việc, tôi không hề vi phạm nội quy của công ty. Công ty không cho tôi vào làm việc mà không nói rõ lý do, cũng không có quyết định chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ)”- anh Khôi bức xúc.
Không bị đuổi việc như anh Khôi nhưng trường hợp của chị Dương Thị Kim Phượng, Trưởng Phòng Hành chính Nhân sự Công ty CP Thủy đặc sản (Seaspimex), cũng cho thấy cách hành xử hết sức tùy tiện của doanh nghiệp. Là Trưởng Phòng Hành chính nhân sự Seaspimex kiêm Trưởng Phòng Nhân sự Công ty Thực phẩm Bình Chánh (BCF - công ty con của Seaspimex), chị không hề vi phạm kỷ luật nhưng vào ngày 20 và 29-3-2012, đột ngột nhận được 2 quyết định “miễn nhiệm chức danh” từ ông Hà Xuân Thạch, chủ tịch HĐQT. Chị Phượng cho biết: “Tôi đã khiếu nại nhưng không được công ty giải quyết. Chỉ vì tôi góp ý việc ông Thạch bổ nhiệm nhân sự không đúng trình tự mà bị trù dập như vậy”.
Vô cớ chuyển việc, hạ lương
Khi vào làm việc tại Công ty Showpla Việt Nam (KCN Biên Hòa 2, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), chị Nguyễn Hoàng Thanh Trúc chỉ được công ty đưa một tờ giấy có nội dung: Công việc là thư ký bộ phận kế toán, mức lương là 11.410.000 đồng/tháng.
Ngày 10-10-2011, sau khi hết thời gian nghỉ thai sản, chị Trúc trở lại làm việc thì được yêu cầu làm công việc kiểm tra vệ sinh, làm vườn, kiểm tra thiết bị PCCC… Vì đây không phải là công việc quen thuộc của mình nên chị Trúc không đồng ý. Ngày 30-1, công ty ban hành quyết định kỷ luật khiển trách lần 1 với lý do “không tuân thủ sự phân công của cấp trên” và không trả lương cho chị. Tiếp đó, ngày 11-2, công ty ban hành quyết định kỷ luật lần 2 với hình thức điều chuyển sang làm nhân viên hỗ trợ, phụ việc hành chính và hạ lương còn 3.993.000 đồng/tháng với lý do “trong thời gian bị kỷ luật mà tái phạm, không làm việc 5 ngày”. Đến tháng 4-2012, công ty buộc chị Trúc phải ra phòng bảo vệ ngồi từ sáng cho đến chiều, hết giờ làm việc thì về và không được trả lương.
Né tránh trả lời
Điều đáng nói là dù hành xử sai luật, xâm phạm quyền lợi người lao động nhưng các doanh nghiệp không hề có thiện chí khắc phục, sửa đổi. Tiếp nhận phản ánh của anh Hồ Viết Khôi, chúng tôi đã nhiều lần liên lạc với USPC để làm rõ nhưng lần nào cũng được cho biết “Lãnh đạo đi công tác nước ngoài, không có ai giải quyết”. Thậm chí, khi chúng tôi liên hệ với phòng nhân sự thì nhân viên phòng này vừa nghe trình bày vụ việc đã vội vàng gác máy.
Đối với vụ việc vô cớ miễn nhiệm trưởng phòng hành chính nhân sự tại Seaspimex, sau nhiều lần liên lạc, chúng tôi được ông Nguyễn Thành Phương, tổng giám đốc, hứa hẹn sẽ sớm trả lời nhưng câu trả lời là một sự im lặng kéo dài và khó hiểu. Tương tự, Công ty Showpla Việt Nam cũng thất hứa. Ông Nguyễn Ngọc Quốc, trưởng phòng hành chính nhân sự công ty, nói rằng chị Trúc được tuyển dụng làm việc ở vị trí hành chính nhân sự chứ không phải là thư ký bộ phận kế toán, công ty sẽ cung cấp hợp đồng, quyết định tuyển dụng để chứng minh. Thế nhưng đến nay, công ty vẫn... im lặng.
LUẬT SƯ CAO THẾ LUẬN, CÔNG TY LUẬT PHẠM NGHIÊM: Thể hiện văn hóa doanh nghiệp Cách hành xử với người lao động thể hiện văn hóa doanh nghiệp. Một doanh nghiệp có văn hóa, tôn trọng pháp luật sẽ không bao giờ né tránh giải quyết thắc mắc, khiếu nại của người lao động. Không cho nhân viên vào làm việc, vô cớ miễn nhiệm, kỷ luật lao động nữ đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi... đều là những hành vi vi phạm pháp luật lao động. Nếu không đối thoại được thì người lao động chỉ còn cách kiện ra tòa để bảo vệ quyền lợi. Mặt khác, đề nghị cơ quan thanh tra lao động tiến hành kiểm tra, xử lý những sai phạm của doanh nghiệp. |
Bình luận (0)