Trong báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) gửi đại biểu Quốc hội, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành phương án Tổng LĐLĐ Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho thuê.
Khu thiết chế Công đoàn tại Hà Nam do Tổng LĐLĐ Việt Nam làm chủ đầu tư xây dựng theo quyết định thí điểm của Thủ tướng Chính phủ, được đưa vào sử dụng những ngày cuối năm 2021 đã mang lại niềm vui cho nhiều công nhân lao động, từng bước hiện thực hóa giấc mơ “an cư” để “lạc nghiệp"
Cụ thể, về quy định Tổng LĐLĐ là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp (khoản 4 Điều 80), do vấn đề này còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo 2 phương án như sau:
Phương án 1: Tiếp thu ý kiến của Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam theo hướng: Quy định Tổng LĐLĐ Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho thuê để vừa bổ sung nguồn lực đầu tư dự án nhà ở xã hội, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp, thu hút người lao động tham gia tổ chức Công đoàn, vừa giới hạn phạm vi thực hiện (không bao gồm nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp) để nâng cao tính khả thi.
Phương án 2: Chưa quy định Tổng LĐLĐ Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở (sửa đổi) vì đây là vấn đề mới, quá trình thí điểm thời gian qua còn nhiều vướng mắc, chưa đủ độ "chín" để quy định trong Luật. Đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam xây dựng Đề án báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định cho thực hiện thí điểm chính sách Tổng LĐLĐ Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong một thời hạn nhất định, nếu phát huy hiệu quả mới quy định trong Luật.
Đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành Phương án 1.
Bình luận (0)