Thấm thoắt cũng đã hơn 20 năm kể từ khi theo bố mẹ vào miền Nam sinh sống, cũng là từng ấy năm chưa có dịp ăn Tết ở quê nhưng những hình ảnh về cái Tết ở vùng quê miền Bắc (Xã An Mỹ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí tôi.
Miền Bắc đón Tết với mưa phùn, gió bấc cùng cái lạnh cắt da cắt thịt nhưng cũng là khoảng thời gian mà công việc đồng áng thảnh thơi nhất đối với làng quê thuần nông như quê tôi. Có lẽ, chỉ có đám học sinh chúng tôi là mong chờ Tết càng nhanh và kéo dài càng lâu để được xúng xính trong bộ quần áo mới, được thoải mái chơi đùa và quan trọng hơn là được mừng tuổi và ăn những món mà ngày thường có mơ cũng không có.
Gần đến Tết, đám trai làng chẳng ai bảo ai mà nhà nào cũng cuốn pháo, mua pháo để chuẩn bị đón Tết. Anh trai tôi lúc rảnh rỗi cũng tranh thủ cuốn một ít pháo đại từ số giấy tập, sách báo cũ tận dụng được. Khi đó nhà nước chưa có lệnh cấm đốt pháo nên đến gần Tết nhà nào cũng phải chuẩn bị cho mình một lượng pháo kha khá để đốt lúc giao thừa và mấy ngày Tết. Đám thanh niên có thể bớt ăn bớt mặc nhưng dường như pháo là một thứ mà không thể không đầu tư xứng đáng. Năm nào cũng vậy, khi gần đến Tết là thỉnh thoảng vẫn nghe đâu đó những tai nạn, những sự cố ngoài ý muốn từ pháo gây ra. Những sự cố buồn cười từ việc sấy pháo phải kể đến nhà anh Bình sấy ẩm pháo bằng cách cho vào chảo rang lên hay nhà cô Nghiên treo pháo lên gác bếp để sấy. Kết quả là pháo nổ rất giòn giã còn cái bếp cũng cháy tan tành xác pháo.
Đời sống lúc ấy còn khó khăn, nhất là đối với những vùng quê thuần về trồng lúa như quê tôi. Mọi chi tiêu trong gia đình từ đóng tiền học hành cho con cái, mua sắm quần áo, bút vở học tập đều phải bán thóc gạo để lấy tiền mua. Đến cái ăn còn chưa được ăn ngon thì lấy đâu ra mặc đẹp. Anh em chúng tôi có chăng mỗi năm chỉ được mẹ mua cho một hai bộ quần áo mới vào dịp năm học mới và chuẩn bị xuân về. Vì vậy sự hiện diện của thịt trong bữa ăn là khá hiếm hoi. Chuẩn bị đến cuối năm là trong xóm người ta đã rủ nhau chung lợn (vài nhà mua chung một con lợn để làm thịt). Bố tôi đi bộ đội ở xa nên ít khi được ăn Tết ở nhà. Nhà chỉ có 3 mẹ con nên thường chung lợn với gia đình các chú, các bác. Có lẽ ngày mổ lợn cũng là một ngày vui của đám trẻ con chúng tôi khi mà đứa nào cũng thức dậy sớm đi xem mổ lợn và xí phần khi chia thịt – việc mà mỗi năm chỉ diễn ra đúng một lần. Thịt lợn xong người ta chia mỗi phần vào một tàu lá chuối bánh tẻ đã được hơ nóng. Đám trẻ con xung quanh nhốn nháo theo dõi xem phần nào lớn để xí phần hơn.
Trong tiết trời lạnh lẽo của mùa Đông thì trông nồi bánh chưng cũng là một việc thích thú đối với đám thanh niên và trẻ con. Chúng tôi thường lãnh phần trách nhiệm ấy vì muốn được ngồi xung quanh đống lửa để sưởi ấm, lại tranh thủ nướng củ khoai, củ sắn hay cái bắp ngô ăn vừa ấm vừa bùi. Ngoài ra, khi gói bánh thì người lớn bao giờ cũng tâm lý gói thêm những chiếc bánh nhỏ để dành riêng cho trẻ con nên chúng tôi càng háo hức mong chờ. Thông thường vài nhà nấu chung một nồi bánh chưng nên đám trẻ con chúng tôi cũng cắt cử nhau thay phiên trông nồi bánh. Và giây phút chờ đợi nhất là lúc vớt bánh để được ăn những cái bánh nhỏ gói riêng cho chúng tôi. Được ăn những cái bánh với cảm giác thèm thuồng và mong đợi như vậy làm cho tôi nhớ mãi hương vị của nó.
Bao năm qua, kể từ khi theo gia đình vào Nam học tập và công tác tôi chưa có dịp trở về quê hương vào dịp Tết đến. Hàng năm, cứ mỗi dịp xuân về, những ký ức về cái Tết ở một vùng quê Bắc bộ lại ùa về trong tâm trí tôi. Những kỷ niệm về một thời thơ ấu nghèo mà vui ấy đã giúp tôi có thêm nhiều nghị lực trong cuộc sống.
Bình luận (0)