Trong tổng số 45.058 người lao động (NLĐ) ra nước ngoài làm việc năm 2021, có đến 39.041 người chọn sang Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc). Cụ thể, có 19.531 NLĐ Việt Nam chọn sang Đài Loan làm việc và 19.510 người chọn Nhật Bản. Các chuyên gia trong lĩnh vực xuất khẩu lao động (XKLĐ) dự đoán năm nay, 2 thị trường chủ lực này sẽ tiếp tục thu hút NLĐ Việt Nam đến làm việc.
Thị trường Nhật Bản khởi sắc
Vui mừng trước kết quả hơn 600 hồ sơ xin visa của doanh nghiệp mình đã được duyệt chỉ sau nửa tháng Nhật Bản tuyên bố nới lỏng giãn cách, ông Lê Long Sơn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Esuhai Group, cho biết bộ phận liên quan đã làm việc cật lực để giải quyết một lượng lớn hồ sơ xin visa của NLĐ đang theo học tại Công ty TNHH Esuhai.
Thực tập sinh của Công ty TNHH Esuhai tích cực học tập để sớm sang Nhật Bản làm việc
Ông Sơn cho rằng thời gian chờ đợi để được xuất cảnh đã khá lâu cũng ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của NLĐ. Vì thế, khi Nhật Bản thông báo mở cửa và tiếp nhận hồ sơ đăng ký trở lại, cả NLĐ lẫn doanh nghiệp phái cử lao động đều rất phấn khởi.
Cùng với đó, việc chiêu sinh, tuyển dụng ứng viên quan tâm chương trình đi làm việc tại Nhật Bản dần khởi sắc trở lại. NLĐ cũng an tâm hơn khi tìm kiếm cơ hội việc làm, tăng thu nhập sau thời gian ảnh hưởng đại dịch Covid-19 vừa qua.
Theo ông Sơn, Công ty TNHH Esuhai đang thực hiện cùng lúc 5 chương trình đưa NLĐ, học sinh sang Nhật Bản làm việc và học tập, gồm: thực tập sinh, kỹ sư, du học sinh, chăm sóc viên Kaigo và kỹ năng đặc định. "Với phương châm "Chọn giáo dục và việc làm là cơ sở cốt lõi cho sự phát triển một xã hội phồn vinh và bền vững nhất", Esuhai mong muốn NLĐ khi tham gia chương trình làm việc tại Nhật Bản sẽ không chỉ đi để kiếm tiền mà còn học tập, lĩnh hội kiến thức, công nghệ, kỹ thuật, đặc biệt là văn hóa coi trọng lao động và cống hiến. Nguồn nhân lực này khi trở về nước, trước tiên là có đủ khả năng khởi nghiệp, làm giàu cho bản thân; sau đó góp phần xây dựng quê hương, đất nước" - ông Sơn nhấn mạnh.
Cùng chung niềm vui, bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ XKLĐ và Chuyên gia Suleco, cho biết hơn 600 thực tập sinh và kỹ sư sắp sang Nhật Bản làm việc trong các lĩnh vực thực phẩm, cơ khí, xây dựng, ôtô, điều dưỡng… Đây là những ngành nghề mà Nhật đang thiếu hụt nhân sự trầm trọng. Đây cũng là những ngành nghề rất thích hợp với thể trạng, sức lực, trí lực của NLĐ Việt Nam; có mức thu nhập tương xứng, từ 28-40 triệu đồng/tháng.
"Theo tôi, các bạn trẻ nếu chưa có việc làm tốt hơn ở Việt Nam thì nên sang Nhật Bản. Ở đó, NLĐ sẽ có cơ hội học hỏi kỹ thuật tiên tiến, trải nghiệm môi trường làm việc chuyên nghiệp của một quốc gia phát triển hàng đầu thế giới và có mức thu nhập tương xứng. Hơn nữa, với 3 năm hay 5 năm ở Nhật, NLĐ sẽ thấu hiểu tinh thần làm việc của người Nhật, thấu hiểu văn hóa của nước bạn. Đó là tố chất để dễ thành công hơn trong sự nghiệp về sau của NLĐ" - bà Hạnh nhìn nhận.
Đài Loan - thị trường "dễ tính"
Có khoảng cách địa lý gần với Việt Nam, nhiều năm nay, Đài Loan đã được hàng trăm ngàn lao động Việt Nam chọn là điểm đến để làm việc, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, trong tổng số 147.387 lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc năm 2019, Đài Loan tiếp nhận đến 54.480 người - chiếm 37%.
Ông Đỗ Văn Hoan, Trưởng Phòng Thị trường Đài Loan - Nhật Bản, Công ty CP Nhân Đạt - Kesa Group (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội), cho rằng Đài Loan vẫn là thị trường trọng điểm về XKLĐ trong năm 2022. Điều kiện tuyển lao động đi Đài Loan làm việc so với các thị trường khác có phần "dễ tính" hơn. Để tham gia thi tuyển lao động sang Đài Loan làm việc, NLĐ chỉ cần đáp ứng được các điều kiện: Tuổi từ 20-45 đối với công việc trong nhà máy, công xưởng, hộ lý viện dưỡng lão và tuổi từ 23-49 đối với lao động làm giúp việc gia đình; có sức khỏe tốt, chiều cao và cân nặng không hạn chế.
"Dù điều kiện đầu vào tương đối dễ như vậy nhưng mức lương ở Đài Loan hiện cũng khá. Từ ngày 1-1, Đài Loan đã điều chỉnh mức lương cơ bản theo tháng tăng lên mức 25.250 Đài tệ/tháng (tương đương 20,3 triệu đồng), chưa tính các khoản làm thêm giờ. Đa số những đơn hàng mà Kesa đang tuyển thì mức lương cũng từ 25 đến 30 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí để sang Đài Loan thấp hơn rất nhiều so với Nhật Bản hay Hàn Quốc" - ông Hoan so sánh.
Thông thường, có 2 dạng đơn hàng khi đi XKLĐ Đài Loan. Đó là đơn hàng với các công việc yêu cầu tay nghề như: May mặc, cơ khí, hàn xì, đúc ép, tiện, mộc và đơn hàng với các công việc không yêu cầu tay nghề: Thực phẩm, nông nghiệp, thủy sản, linh kiện điện tử… Các công việc này đều có hợp đồng ban đầu là 3 năm. Tuy nhiên, khi tham gia XKLĐ sang Đài Loan, NLĐ không quá lo lắng về thời hạn hợp đồng. Điều đặc biệt ở thị trường Đài Loan là NLĐ có thể được gia hạn hợp đồng tối đa tới 12 năm.
"So với những công việc tương đương khi làm trong nước, NLĐ sang Đài Loan sẽ có được mức thu nhập tốt hơn. Song song với đó là cơ hội trải nghiệm cuộc sống mới, lĩnh hội nhiều kiến thức thú vị trên vùng lãnh thổ Đài Loan. Tôi nghĩ đó là hành trang thú vị trong sự nghiệp của bất kỳ ai có cơ hội" - ông Hoan bày tỏ.
Kỳ tới: Hướng đến thị trường thu nhập cao
Hơn 2.000 lao động ra nước ngoài làm việc sau Tết
Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, từ đầu năm 2022 đến ngày 15-3, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 2.026 người. Cụ thể, Nhật Bản tiếp nhận 451 lao động, Singapore là 363 lao động, Hàn Quốc là 325 lao động, Đài Loan (Trung Quốc) có 248 lao động, Trung Quốc là 174 lao động, Hungary là 99 lao động...
Bình luận (0)