Tuy đến từ những vùng miền, với những thành phần dân tộc, tôn giáo khác nhau, nhưng 32 gia đình tụ họp tại TPHCM trong hội nghị biểu dương gia đình tiêu biểu toàn quốc - khu vực phía Nam, do Ủy ban Dân số-Gia đình và Trẻ em VN tổ chức vào sáng 22-6, đều gặp nhau ở một điểm chung: Trân trọng, gìn giữ những giá trị văn hóa gia đình truyền thống, thực hiện tốt những chức năng xã hội cơ bản của gia đình, đóng góp vào sự phát triển của gia đình, cộng đồng và của đất nước...
Nghèo mà hòa thuận, hạnh phúc
Kể về gia đình nhỏ của mình, ông A Phéch, 74 tuổi (làng Kon Rơ Wang, phường Thắng Lợi, thị xã Kon Tum, tỉnh Kon Tum) - người giữ cương vị già làng từ hồi chiến tranh tới giờ - cho biết: “Già đang ở với vợ chồng thằng út là A Phương và 2 cháu nội. Chưa giàu có, nhưng nhà già rất hòa thuận, hạnh phúc. A Phương và Y Ven, con dâu già, còn rất tích cực trong hoạt động thể thao và tuyên truyền về dân số kế hoạch hóa gia đình...”. Không rành tiếng Kinh để kể nhiều chuyện hơn về gia đình, về bà con trong làng... nhưng niềm vui, niềm hạnh phúc, sự tự hào về một gia đình trong ấm ngoài êm hiện rõ trên gương mặt ông. Làng Kon Rơ Wang vừa được công nhận là làng văn hóa cấp tỉnh. Giờ, ông chỉ còn mong mỏi: Con trai trong làng lớn lên đều biết đánh chiêng, làm rượu cần, con gái phải biết dệt thổ cẩm và mọi người đều biết múa xoong...
“Hình ngay, bóng thẳng”
Đó là phương châm dạy con, cháu của ông Huỳnh Văn Bon (63 tuổi) - phường 7, thị xã Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Ông tâm sự: “Trước tiên, mình phải là tấm gương cho các con, cháu noi theo”. Đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, kính trên nhường dưới, tính khiêm tốn... được ông cụ thể hóa bằng hành động để dạy con, cháu trong gia đình. Ông thường tham gia hòa giải những mâu thuẫn trong xóm, giúp đỡ những gia đình gặp hoạn nạn khó khăn, tổ chức trồng thuốc nam, khám trị bệnh và phát thuốc miễn phí cho bà con nghèo... Nhờ biết “tề gia” và chung vai sát cánh với mọi người, càng ngày ông càng được bà con tin yêu, mến phục. Từ đó, gia đình ông đã vận động bà con đóng góp tiền của, công sức xây dựng 3 cầu bê tông (ngang 1,2 mét, dài 25 mét) để các cháu học sinh đến trường được dễ dàng... Ông tự hào: “Dù kinh tế gia đình không khá giả, nhưng 9 người con của tôi đều ngoan ngoãn, học hành đỗ đạt và đã trưởng thành, cháu nội chăm chỉ, biết yêu thương, kính trọng ông bà, cha mẹ”.
Với vợ chồng anh Y’Nơm Êban và chị H’Bliak Niê (người Êđê) - hiện đang ở tại buôn Kram, xã Ea Tiêu, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk thì giúp đỡ mọi người, tặng quần áo cũ, thóc gạo cũng chính là dạy cho các con biết chia sẻ khó khăn, vất vả với những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Hiện 2 con trai của chị đang học Đại học Kinh tế ở TPHCM, còn cô con gái đã trở thành nữ hộ sinh ở trạm y tế xã.
Những tấm gương vượt khó
“Cái gì tui muốn sắm mà vợ không chịu... thì tui cũng đành... bó tay” – anh Tạ Ngọc Lan (Phú Hưng, Hàm Mỹ, Bình Thuận) nói vui như vậy. Từ 2 triệu đồng của anh em họ hàng cho hôm cưới, anh chị mua được 2 sào đất. Đến nay, ngoài 1,5 sào ruộng trồng rau má, bầy heo hơn 20 con, anh chị còn có trong tay 400 trụ thanh long (2,5 sào) với thu nhập hằng năm hơn 20 triệu đồng. Không những giỏi làm kinh tế, anh chị còn tích cực tham gia phong trào ở địa phương, nuôi dạy 2 con trai (10 tuổi và 8 tuổi) học giỏi, chăm ngoan. Một tấm gương vượt khó, nuôi dạy con học giỏi khác là gia đình anh Chau Plong và chị Néang Bing Ly (xã An Cư, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang). Đều là giáo viên tiểu học, với đồng lương eo hẹp, lại có đến 5 con, hoàn cảnh kinh tế gia đình hết sức khó khăn. Buổi sáng đi dạy, chiều về chị làm bánh bán dạo; anh thì đi làm mướn, nuôi gà, trồng rau... để có thêm ít tiền cho con đi học. Chịu cực khổ, có bữa nhịn đói vì ế ẩm... nhưng anh chị không để cho các con nghỉ học. Hiện 3 trong năm người con tiếp nối nghề dạy học của cha mẹ...
Bà Lê Thị Thu, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân số – Gia đình và Trẻ em Việt Nam, khẳng định rằng những gia đình này là những tấm gương sáng, những tế bào lành mạnh sẽ lan tỏa rộng trong cộng đồng, xã hội.
Bình luận (0)