Biết cách hành xử khéo léo, lãnh đạo sẽ thu hút được nhân tâm
Trong đó, ngôn ngữ được đặc biệt chú trọng. Sau đây là những lời nói chiếm vị trí hàng đầu về mức độ chán ghét của nhân viên:
- “Tôi yêu cầu”: Đây là câu ra lệnh, chứng tỏ quyền lực của cấp trên đối với cấp dưới nhưng lại khiến nhân viên thấy tính tự giác của mình bị xem thường. Thay vì nói “tôi yêu cầu mọi người phải hoàn thành công việc trong 3 ngày”, bạn có thể nói “tôi tin rằng các bạn có thể hoàn thành công việc trong 3 ngày”. Như vậy, nhân viên sẽ thấy thoải mái hơn.
- “Tôi muốn…”: Áp đặt ý chí chủ quan của lãnh đạo lên nhân viên cũng sẽ tạo ra áp lực, thậm chí khiến nhân viên phản ứng. Vì vậy, thay vì nói “tôi muốn mọi người phải tập trung hơn nữa vào công việc”, bạn thử nói “nếu chúng ta tập trung hơn nữa, chắc chắn kết quả sẽ tốt hơn rất nhiều”.
- “Tôi ra lệnh…”: Câu nói này có lẽ chỉ nên thể hiện trong trường hợp cấp bách, để hoàn thành một công việc khó khăn. Tuy nhiên, vẫn có nhiều nhân viên cảm thấy khó chịu. Thế nên, thay vì “tôi ra lệnh cho các anh, chị phải về vị trí cũ và bắt đầu công việc”, người lãnh đạo giỏi có thể nói rằng: “Công việc không cho phép chúng ta chậm trễ. Mọi người hãy vào vị trí, ai làm việc nấy”.
- “Đầu óc bã đậu…”. Thỉnh thoảng, các vị lãnh đạo hay chê bai nhân viên như vậy. Điều này không chỉ làm cho nhân viên cảm thấy bị tổn thương mà còn là biểu hiện của cách cư xử kém văn hóa. Vậy nên, dù công việc của nhân viên có tệ đến đâu, thay vì phê phán bộ não của người ấy thì bạn hãy cố gắng kiềm chế bằng cách nói rằng “có thể công việc này không phù hợp, tôi sẽ bố trí một công việc khác…”.
- “Làm không được thì nghỉ”: Rất phổ biến tại nhiều doanh nghiệp hiện nay là câu nói này. Hậu quả là nhân viên nghỉ việc hàng loạt vì ai cũng có tự ái. Tốt nhất là nên đề nghị nhân viên “xem lại mình có phù hợp và yêu thích công việc này không?”.
Lời nói không mất tiền mua nhưng những lời nói không phù hợp đôi khi lại làm các nhà quản lý tốn rất nhiều tiền.
Bình luận (0)