Từ học lóm đến chuyên nghiệp
Châu Văn Hoàng sinh ra và lớn lên ở Định Quán, Đồng Nai. 15 tuổi, anh rời quê vào Sài Gòn làm thuê kiếm sống. Năm năm vất vả phụ việc cho một tiệm sửa xe, anh đã học lóm được nghề sửa xe gắn máy. “Tuy nhiên, học lóm chỉ có thể sửa chữa những hư hỏng nhỏ, đơn giản. Muốn sống được bằng nghề, phải có kiến thức căn bản” - anh tâm sự. Nơi anh tìm đến học nghề là Trung tâm Dạy nghề quận 5- TPHCM (tiền thân của Trường Trung cấp Nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương). Gần một năm theo học các khóa tiện, ép dên... anh đã trang bị cho mình những kiến thức khá vững vàng của nghề sửa xe máy.
Họ đã chọn học nghề-... và sự thành công của họ đã trở thành niềm khích lệ đối với học sinh trường nghề... |
Năm 2001, tiệm sửa xe của Châu Văn Hoàng ra đời tại... lề đường Tân Khai, với số vốn 3 triệu đồng. Chẳng bao lâu, tiệm được nhiều người biết đến vì có thể “chữa bá bệnh” cho xe. Cũng trong thời gian ấy, phong trào sử dụng xe tay ga rộ lên. Không bỏ qua cơ hội, anh lại đến trường đăng ký học chuyên về sửa xe tay ga. Tính tình chu đáo, cẩn thận lại chịu khó, chẳng bao lâu, Hoàng lại chinh phục khách hàng bởi ngón nghề sửa xe tay ga của mình. “Nhưng vui nhất là mới đây, tôi được Hãng Dầu nhớt Castrol ký hợp đồng bảo trì xe gắn máy. Không vui sao được khi mình là người đầu tiên được một công ty lớn lựa chọn!”
Không chê trường nghề
Năm 2004, bạn bè, người thân rất bất ngờ khi Võ Văn Minh quyết định thôi làm công việc bảo trì ở Công ty Việt Hoa (quận 1- TPHCM) để đi học tiếp. Nhiều đồng nghiệp còn cho rằng anh “dở hơi”. Không bận tâm đến sự chê khen ấy, anh đăng ký học lớp điện tử tại Trường Trung cấp Nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương. Với những kiến thức vừa được củng cố, trang bị thêm, chưa đầy một năm sau, anh đã tự tin thành lập Công ty TNHH Điện tử- Điện lạnh Minh (quận 10 – TPHCM).
Anh có một kỷ niệm khó quên: Đầu năm 2005, công ty tiếp nhận một tivi plasma 43 inch của khách hàng bị hư mà không nơi nào nhận sửa. Anh nhận “cái của nợ” ấy vì nghĩ, không lẽ mình chịu thua? Sau đó, anh tìm mua một tivi plasma khác đem về... tháo ra tìm hiểu! Sau gần một tuần nghiên cứu, anh phát hiện tivi bị hư board công suất ánh sáng. Lấy linh kiện của tivi plasma mới thay cho khách, anh đúc kết: Lý do khiến dòng sản phẩm này ít được nơi khác nhận sửa, vì thiếu linh kiện thay thế. Ngay sau đó, anh liên hệ với bạn bè trong, ngoài nước thu mua linh kiện và dần trở thành đơn vị độc quyền sửa chữa dòng sản phẩm này.
Anh vui vẻ cho biết: “Ai chê trường nghề, chứ riêng tôi thì rất có duyên với nó. Nhờ học nghề mà tôi có được ngày hôm nay”.
Nhất nghệ tinh...
Năm 1982, hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Nguyễn Ngọc Long chọn kinh doanh là hướng đi cho mình. Sau nhiều năm lăn lộn buôn bán ở chợ trời, anh nhận thấy hàng điện tử, điện lạnh có xu hướng phát triển mạnh nên quyết định thuê mặt bằng để kinh doanh. Công ty Long Loan (quận 5- TPHCM) chuyên kinh doanh điện lạnh, điện máy, điện gia dụng ra đời. Anh kể: “Lúc đó, ý định học nghề cũng xuất hiện vì tôi nhận ra rằng, nếu không có kiến thức chuyên môn thì không thể quản lý nhân viên, không thể coi sóc công việc”.
Vậy là anh đăng ký học nghề điện lạnh tại Trung tâm Dạy nghề quận 5, học từ kiến thức căn bản đến nâng cao. Anh nhớ lại: “Học nghề xong tôi rất tự tin. Khách hàng đến mua thiết bị, tôi có thể tự lắp đặt mà không cần đến nhân viên. Nhiều khách hàng còn khen tay nghề tôi vững”. Cũng nhờ “tay nghề vững” mà anh được khách hàng quen biết giới thiệu đến nhận những công trình lớn ở các công ty, nhà hàng, khách sạn... Hiện anh có trong tay cơ ngơi trị giá vài chục tỉ đồng.
Anh tâm sự: “Tôi có được thành công hôm nay là nhờ tay nghề vững vàng. Vì vậy, tuy nay đã 47 tuổi nhưng tôi không ngại học. Hễ có thời gian, tôi lại trở về trường học thêm những lớp chuyên đề để nâng cao tay nghề. Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh mà”.
88% học viên ra trường có việc làm - Trường Trung cấp Nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương hiện có 22 chuyên ngành đào tạo. Mỗi năm đào tạo 17.000 học viên, trong đó hệ ngắn hạn là 16.000. 88% học viên ra trường có việc làm ổn định. - Từ năm 2002 đến nay, trường đã tích lũy, tái đầu tư hằng năm từ 1,4 đến 2 tỉ đồng cho các ngành kỹ thuật cao. |
Bình luận (0)