Ông Nguyễn Minh Thông, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ Công ích quận 10 - TPHCM, cho biết từ năm 2008 đến nay, đã có 6 vụ tai nạn lao động xảy ra cho các công nhân (CN) vệ sinh của công ty. Trong đó, một trường hợp đã tử vong, các trường hợp còn lại đều bị thương tật, để lại di chứng ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, việc làm của CN...
Đã nghèo còn mắc eo
Do công việc nặng nhọc lại phải làm đêm ở ngoài đường, xe cộ qua lại đông đúc nên bị rủi ro, tai nạn đối với CN vệ sinh là khó tránh. Chị Phạm Thị Dung, 43 tuổi, CN tổ quét đường Công ty Dịch vụ Công ích quận 10, không thể nào quên vụ tai nạn mới đây suýt cướp đi bàn tay của mình.
Chị Dung cho biết trong lúc bê chiếc bàn người dân vứt bỏ lên thùng rác, chị bị chiếc bàn đè dập bàn tay trái. “Nó quá nặng, thùng rác lại cao, sức tôi không kham nổi nhưng vẫn cố làm nên mới bị tai nạn. Sau đó, vì tiếc tiền, lại sợ mất ngày công nên tôi tự chữa trị. Sau một tuần, bàn tay bị sưng tấy, tôi phải đến bệnh viện kiểm tra, bác sĩ thông báo vết thương bị nhiễm trùng, phải phẫu thuật gấp nếu không sẽ cưa bỏ bàn tay.
Vậy là tôi phải nghỉ làm gần một tháng để điều trị” - chị Dung kể. Nhờ có bảo hiểm nên chị chỉ phải trả hơn 5 triệu đồng viện phí. Nhưng số tiền đó là cả một vấn đề lớn đối với gia đình chị. “Chồng tôi bị bệnh nan y, con gái nhỏ đang đi học; tiền thuốc cho chồng, tiền ăn học của con và sinh hoạt phí của gia đình đều trông chờ vào đồng lương của tôi”. Chị Dung nói và đưa cho tôi xem bàn tay trái không còn linh hoạt như xưa.
Sau khi bị tai nạn lao động, chị Phạm Thị Dung làm việc khó khăn hơn. Ảnh: HỒNG NHUNG
Cùng làm chung tổ vận chuyển rác với chị Dung, ông Nguyễn Anh Đào cũng gặp tai nạn suýt mất bàn tay. Trong lúc xử lý rác thải, ông sơ ý nên bị giàn nâng của máy nâng rác đè vào tay trái. Ngay sau khi sự cố xảy ra, ông được đồng nghiệp đưa vào bệnh viện cấp cứu. Do bị gãy xương mu bàn tay nên ông phải nằm viện gần 20 ngày.
Trước khi xuất viện, nhìn vào hóa đơn, ông không tin nổi vào mắt mình. Trừ phần bảo hiểm chi trả, ông phải tốn hơn 15 triệu đồng. “Vợ chồng đều là CN vệ sinh nên số tiền quá lớn đối với tôi. Nhờ đồng nghiệp hỗ trợ nên gia đình tôi mới trả được khoản tiền trên” - ông Đào tâm sự. Sau tai nạn, tay ông thường xuyên bị đau nhức, không bê vác được đồ nặng.
Mất đi mạng sống
Đến bây giờ, bà Huỳnh Thị Huệ vẫn chưa khỏi bàng hoàng sau sự ra đi đột ngột của chồng - ông Nguyễn Trọng Ngà, CN vệ sinh ở tuyến đường Ngô Gia Tự (quận 10). Bà Huệ kể năm 2011, trong lúc làm ca đêm, ông Ngà bị 2 thanh niên say rượu đi xe máy đâm phải. “Khi nhìn thấy chiếc xe máy đang đánh võng, lạng lách trên đường, ông xã tôi đã nhanh chân chạy lên vỉa hè để tránh nhưng không ngờ 2 thanh niên đó cũng phóng lên vỉa hè và đâm thẳng vào ông rồi bỏ trốn” - bà Huệ kể.
Sau khi tai nạn xảy ra, chồng bà được đồng nghiệp đưa ngay vào bệnh viện, bác sĩ kết luận ông bị rạn sườn, gãy chân, phải phẫu thuật. Hơn 2 tháng điều trị, sức khỏe của ông giảm sút nghiêm trọng. Khi về nhà, bệnh tình của ông ngày một xấu. Bà đã đưa chồng đi khám ở nhiều bệnh viện nhưng sau 8 tháng điều trị, trải qua 4 lần phẫu thuật, ông Ngà đã qua đời. Ba năm trước, chính bà Huệ cũng bị ô tô đâm phải trong lúc đang làm việc dẫn đến thương tật ở tay. “Biết là làm công việc này cực khổ, nguy hiểm đến tính mạng nhưng vì miếng cơm manh áo mình phải làm” - bà Huệ tâm sự.
Những vụ tai nạn dẫn đến cái chết thương tâm trong lúc đang làm việc như trường hợp của ông Ngà không phải là hiếm. Cách đây không lâu, trong lúc cùng các đồng nghiệp khiêng rác lên xe, anh Đặng Ngọc Sang (SN 1984, ngụ quận Bình Tân) bất ngờ bị một mảnh kính từ trên xe rơi trúng người. Tai nạn làm anh Sang bị đứt động mạch chủ đùi phải và chết trên đường đi cấp cứu.
Một CN Công ty Dịch vụ Công ích quận 4 kể lại cái chết của một đồng nghiệp mấy năm trước do bị cuốn vào xe ép rác và ngậm ngùi: “Chỉ cần sơ sẩy một chút thì có thể mất mạng như chơi. Mặc dù vậy, đôi khi chúng tôi cũng không tuân thủ đầy đủ các quy định về an toàn lao động, vẫn làm việc trong khu vực máy xúc hoạt động hoặc nhiều người còn có thói quen đu hai bên khi xe đang di chuyển nên rất dễ xảy ra tai nạn. Nhưng biết làm sao được, anh em chúng tôi đa số có học hành gì đâu mà mong kiếm được công việc nhẹ nhàng, sạch sẽ hơn!”.
Nguy cơ nhiễm HIV/AIDS
Theo ông Nguyễn Văn Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Công đoàn TPHCM, ngoài những CN trực thuộc sự quản lý của công ty dịch vụ công ích các quận, huyện, một bộ phận CN quét đường tự do không được trang bị bảo hộ lao động thường xuyên gặp phải trường hợp bị dính máu từ bơm kim tiêm trong quá trình dọn rác, quét đường. Ông Quang cho biết: “Ngoài việc không có bảo hộ lao động, những CN nói trên còn không được trang bị kiến thức về HIV/AIDS nên không biết làm gì khi nhặt phải bơm kim tiêm, thường để máu ở bơm kim tiêm dính vào cơ thể nên nguy cơ nhiễm HIV/AIDS là rất cao”. “Từ đầu năm 2012 đến nay, Trung tâm Công tác xã hội Công đoàn TP đã tư vấn cho 8 trường hợp CN vệ sinh bị nghi ngờ nhiễm HIV/AIDS” - ông Quang cho biết thêm. |
Bình luận (0)