Hiến máu nhân đạo là một trong những hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, được LĐLĐ quận 11 duy trì tổ chức hàng năm nhằm cung cấp nguồn máu dự trữ cho các bệnh viện để cấp cứu bệnh nhân. Do đó, mỗi lần chương trình được tổ chức đều thu hút đông đảo CNVC-LĐ quận tham dự. Trong số đó, rất nhiều trường hợp đã hiến máu nhiều lần. Điển hình là anh Trương Trung Chánh (Chuyên viên Ban Dân vận quận ủy quận 11). Đến nay, anh đã hiến máu tổng cộng 71 lần, con số ai cũng phải thán phục.
Anh Trương Trung Chánh hiến máu vào sáng 30-8
Cho đi niềm hy vọng
Chia sẻ với chúng tôi về động lực khiến anh tích cực hiến máu trong suốt nhiều năm qua, anh Chánh cho biết bởi bản thân anh thấm thía cảm giác khao khát có được nguồn máu thích hợp để cấp cứu cho người thân của mình. "Hơn ai hết, tôi hiểu rằng nguồn máu dự trữ luôn có giới hạn và có lúc dù có tiền nhưng cũng không thể mua được. Vì vậy, khi mình còn khỏe mạnh, dòng máu của mình còn có thể mang lại tia hy vọng cho một người nào đó thì tôi sẽ còn đi hiến máu" - anh tâm sự. Không chỉ tích cực hiến máu, anh còn rất ủng hộ vợ con mình cùng tham gia. Anh kể, anh rất vui khi con trai lớn hiểu được việc mình làm và noi theo. Hiện tại, con trai anh cũng đã hiến máu tình nguyện hơn 10 lần.
Thầy Phạm Công Đại (thứ 3 từ phải vào) trong một lần tham gia hiến máu nhân đạo
Là người có tấm lòng quảng đại, thầy giáo trẻ thế hệ "8x" Phạm Công Đại (Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, quận Gò Vấp) đã có đến 31 lần hiến máu tình nguyện để cứu người. Thầy kể, hễ nghe ở đâu có chương trình hiến máu nhân đạo mà anh đủ điều kiện về thời gian là đến đăng ký. Khi được hỏi về động lực thúc đẩy anh nhiều lần tình nguyện cho đi những giọt máu của mình, thầy chia sẻ: "Ý nghĩa của việc hiến máu thì ai cũng biết. Cuộc sống có quá nhiều rủi ro không thể đoán trước, nếu mình sẵn lòng cho đi thì khi mình cần đến sẽ có người giúp lại. Tôi luôn tin như vậy. Trên hết, khi làm được một việc tốt, dù nhỏ thôi nhưng tôi cũng thấy vui trong lòng". Không dừng lại ở việc tích cực hiến máu, thầy còn luôn hết lòng với học trò. Dù là thầy giáo thể chất nhưng mối quan hệ giữa thầy và trò luôn rất khắng khít. Với hoạt động thể chất ngoài giờ nhằm tạo thêm sân chơi và bồi dưỡng năng khiếu cho các em như bóng rổ, bóng đá… thầy luôn tận tâm. Thậm chí nhiều em gia đình khó khăn nhưng thấy các em mê thể thao, thầy vẫn động viên cha mẹ các em đừng ngại chuyện học phí, cứ đưa con đến học để các em được vui chơi, học tập theo sở thích.
Việc nhỏ, ý nghĩa lớn
Ở Công ty TNHH May thêu Hà Giang, chị Mai Thị Điệu luôn được đồng nghiệp quý mến không chỉ bởi chị có tay nghề vững mà còn có tấm lòng nhân ái, luôn vì đồng nghiệp và hướng về cộng đồng.
Cụ thể, với đồng nghiệp, chị sẵn sàng choàng gánh cho đồng nghiệp, với những sản phẩm may khó hoặc ít gặp, với kinh nghiệm hơn 20 năm trong nghề, chị luôn nhận về phần mình dù biết như vậy năng suất sẽ bị giảm đi. Chị kể công ty chị chuyên may kimono, hầu như bằng thủ công, có rất ít sản phẩm may máy nên phụ thuộc phần lớn vào tay nghề của công nhân.
Chị làm việc đã lâu năm, gắn bó với công ty từ những ngày đầu nên kiểu sản phẩm nào chị cũng từng may qua. Ngược lại, nhiều công nhân mới sẽ chỉ quen với những kiểu may cơ bản. Vì vậy, khi họ chọn phải những sản phẩm khó cần sự hướng dẫn hoặc đổi sản phẩm đơn giản hơn thì chị luôn sẵn sàng giúp đỡ trong khả năng, thậm chí đổi sản phẩm để họ đạt năng suất và đảm bảo tiến độ giao hàng của công ty.
Chị Mai Thị Điệu luôn được quý mến bởi tay nghề cao và có tấm lòng nhân hậu
Không chỉ vậy, chị Điệu còn thường xuyên vận động quyên góp quần áo, sách vở cũ từ xóm giềng và đồng nghiệp để trao tặng lại cho những người khó khăn hơn mình, nhất là những đồng hương Thanh Hóa. "Quê tôi còn nhiều người khó khăn lắm, lại hay bị thiên tai lũ lụt. Mỗi lần như thế, cuộc sống của họ lại chồng chất khó khăn. Vì vậy mà giúp được phần nào tôi đều cố gắng giúp. Không chỉ riêng tôi đâu, nhiều chị em đồng hương trong xưởng cũng vậy. mỗi lần nghe quê hứng chịu thiên tai, chị em lại cùng nhau đi quyên góp để giúp đỡ. Mới đây, chúng tôi vừa quyên góp sách vở để gửi về quê cho các cháu có sách học vào đầu năm học mới" - chị bộc bạch.
Nhận xét về chị Điệu, bà Lê Thị Thủy, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH May thêu Hà Giang cho biết: "Điều tôi quý trọng ở công nhân mình là mọi người xem nhau như người thân. Hễ gia đình ai có chuyện không may là họ chung tay giúp sức để đồng nghiệp vượt qua khó khăn. Chị Điệu chính là một tấm gương như thế".
Bình luận (0)