“Tôi chuyển dạ sinh con khi chồng đi làm xa, mọi người ở dãy trọ đều đi làm hết. Trong lúc tôi không biết phải làm thế nào thì cô Anh xuất hiện và gọi taxi đưa tôi đi bệnh viện. Chưa kịp đến bệnh viện, tôi đã sinh con ngay trên taxi. Khi ấy, nếu không có cô chủ nhà và anh tài xế taxi tốt bụng, không biết mẹ con tôi sẽ ra sao?”. Chị Nguyễn Thị Ni không giấu được xúc động khi nói về cô Nguyễn Kim Anh, chủ khu nhà trọ (ấp Đông, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TP HCM) nơi chị đang trú ngụ.
Đồng cảm với công nhân
Khu nhà trọ của cô Nguyễn Kim Anh có 66 phòng với khoảng 200 người đang trú ngụ, chủ yếu là công nhân (CN). Tuy số lượng người trọ đông nhưng hoàn cảnh từng người, từng phòng cô đều nắm rõ. Không riêng chị Ni mà những CN khác cũng nhận được sự giúp đỡ kịp thời khi khó khăn, bất trắc. Sự hỗ trợ ấy có khi chỉ là dăm ba ký gạo, một ít thực phẩm cho CN nghèo hoặc đứng ra giúp CN đang làm việc ở các công ty bị nợ lương, có chủ bỏ trốn giám sát nhà xưởng (nhằm tránh việc tẩu tán tài sản) để họ yên tâm tìm việc làm mới… nhưng lại khiến những người ở trọ thấy ấm lòng. Nhiều CN đã gắn bó với nơi đây suốt 15 năm qua.
Cũng tại ấp Đông, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, khu nhà trọ của cô Nguyễn Thị Thành có gần 300 CN đang sinh sống. Cách đây 3 năm, thấy hoàn cảnh CN quá khó khăn, đời sống tinh thần nghèo nàn… cô Thành đã dành gần 300 m2 đất của gia đình để làm sân bóng chuyền cho CN. Không những vậy, cô còn dành riêng một phòng rộng hơn 20 m2 làm phòng sinh hoạt chung. Nơi đây, CN có thể đọc sách, báo, xem tivi hoặc tổ chức các buổi liên hoan, sinh nhật, thôi nôi, đầy tháng… Đây cũng là nơi để người thân của CN ở trọ nghỉ ngơi khi đến thăm con em mình (nếu cần). Thấy việc cô làm, nhiều người thắc mắc: Sao phải tiêu tốn tiền để làm những việc không đâu? Cô Thành bộc bạch: “Ngày xưa, vợ chồng tôi cũng nghèo, phải làm lụng vất vả mới có được ngày hôm nay. Vì vậy tôi rất hiểu và đồng cảm với khó khăn của CN. Tôi nghĩ tiền kiếm không biết bao nhiêu cho vừa, tiền nhiều xài mấy cũng hết nên chọn cách làm những việc có ích cho CN”.
Xem công nhân như người thân
Cũng như các chủ nhà trọ tốt bụng, dù không thân thích, ruột rà nhưng một số chủ xưởng (nơi các doanh nghiệp thuê làm điểm hoạt động sản xuất) cũng đối đãi với CN bằng cả tấm lòng. Cách đây không lâu, khi giám đốc Công ty TNHH May mặc Bảy Nguyệt (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) đột ngột “biến mất”, gia đình ông Nguyễn Văn Bằng, chủ xưởng, cũng trở thành nạn nhân khi có nguy cơ bị quỵt hơn 180 triệu đồng tiền cơm. Dù vậy, chứng kiến hơn 100 CN bị nợ 2 tháng lương, bị đuổi khỏi chỗ trọ, không tiền ăn, không tiền về quê, phải nhịn đói, nhịn khát ngồi vật vã tại nhà xưởng... vợ chồng ông không khỏi xót xa. Để chia sẻ một phần khó khăn với CN, ông đã mua bánh mì, nước uống “tiếp tế” cho CN, ngoài ra còn hỗ trợ mỗi CN 5 kg gạo.
Bà Trần Thị Ngọc Loan, vợ của ông Bằng, tâm sự: “Khi công ty còn hoạt động, sáng mở mắt ra đã gặp CN, trưa tụi nó còn ăn cơm do mình nấu. Tính ra thời gian CN ở với tôi nhiều hơn ở nhà nên tôi coi như con em mình. Vì vậy, khi chứng kiến cảnh CN dắt theo con cái nheo nhóc đi đòi lương, tôi không thể cầm lòng. Ai bị quỵt tiền thì cũng khổ nhưng chúng tôi khổ một thì CN khổ mười”.
Chính vì thấu hiểu nỗi khổ của CN nên khi đại diện công ty xuất hiện và ra yêu sách buộc một số chủ nợ và chủ xưởng phải ký giấy cam kết xóa nợ thì mới chịu bán máy móc trả lương cho CN, trong lúc các chủ nợ khác cương quyết đòi quyền lợi thì vợ chồng ông Bằng đã đặt bút ký ngay.
“Căn phòng mơ ước” cho CN khó khăn
Cuối tháng 3-2015, cô Nguyễn Thị Thành sẽ tiếp tục cho ra mắt “căn phòng mơ ước” dành cho CN có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Người được chọn ở phòng này sẽ được miễn phí tiền thuê phòng 1 năm. Hiện anh Đỗ Hoài Phương, CN xây dựng, vừa bị liệt do tai nạn lao động đang ở trọ cùng em gái đã được cô lựa chọn hỗ trợ.
Bình luận (0)