Năng động, trẻ trung và hội nhập cùng các xu hướng hiện đại là đặc điểm dễ nhận thấy của các thầy cô được tuyên dương "Lao động giỏi - Lao động sáng tạo" tại lễ kỷ niệm ngày thành lập Công đoàn (CĐ) Việt Nam do CĐ Giáo dục TP HCM tổ chức sáng 26-7. Cùng với xu hướng đổi mới hoạt động dạy và học, nhiều phong trào thi đua do CĐ phát động đã được các thầy cô cụ thể hóa bằng nhiều sáng kiến thiết thực, hiệu quả. Trong đó, phải nói đến các hoạt động ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động giảng dạy.
Thỏa sức sáng tạo
Đến với chương trình giao lưu, cô giáo Kiều Mỹ Lan, Chủ nhiệm CLB Thơ văn Thắp Sáng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, chia sẻ kinh nghiệm soạn bài giảng với bảng tương tác thông minh. Đây là một ứng dụng còn mới mẻ, ít bài giảng mẫu, các lớp tập huấn chưa đáp ứng nhu cầu, cô Lan phải tự tìm hiểu.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM khen thưởng các gương "Lao động giỏi - Lao động sáng tạo"
"Phải mất đến 4 tháng, mình mới soạn xong một bài giảng. Vì khả năng kết nối cao với nhiều phần mềm khác nên trong quá trình chuẩn bị bài giảng, mình phải tự học thêm nhiều môn khác từ các phần mềm ứng dụng. Đổi lại, kết quả rất khả quan" - cô Lan cho biết.
Với bài giảng trên bảng tương tác, giáo viên có thể đánh giá mức độ tiếp thu của học sinh ngay tại lớp học. Hơn thế, thông qua khả năng kết nối trực tiếp với internet, giáo viên và học sinh có thể truy cập và tìm hiểu các nguồn tham khảo ngay tại chỗ.
"Học sinh có cơ hội thể hiện ý kiến trên bảng tương tác bằng nhiều hình thức. Ví dụ, khi diễn đạt ý tưởng bằng ngôn ngữ không hết ý, các em có thể diễn đạt bằng những hình vẽ với đủ loại màu sắc sinh động, thỏa trí tưởng tượng" - cô Lan giải thích.
Trong vai trò chủ nhiệm CLB thơ văn, cô Lan còn có những định hướng thiết thực giúp hoạt động thêm sinh động, qua đó lôi kéo nhiều học sinh khác ngoài khối chuyên văn. Trong đó, phải kể đến tập san CLB, hầu hết do chính học sinh tự sáng tác và thực hiện, mỗi năm xuất bản gần 1.000 bản; được đông đảo học sinh hưởng ứng, tham gia.
Trải nghiệm lý thú
Trong khi đó, với thầy Phạm Phước Hiền, thời gian công tác tại Trường THPT Nguyễn Trung Trực, quận Gò Vấp là quá trình cùng học sinh đến những trải nghiệm thực tế. Dự án "Sài Gòn lệ" được sự tham gia của thầy trò cả 3 trường trung học, một mặt vừa lồng ghép các kiến thức lịch sử, môi trường, các vấn đề đô thị… vào các bài học trên lớp, một mặt là các chuyến ngoại khóa sinh động.
"Tên gọi ở đây toát lên ý nghĩa TP HCM không chỉ có những ánh đèn đẹp đẽ mà còn có những giọt lệ của nhiều người nghèo khổ, khó khăn. Nghèo khổ bây giờ được tính trên nhiều chiều chứ không chỉ là thu nhập. Sau các buổi tập huấn kỹ năng, các em được nhập vai thành các chuyên gia, phóng viên, tổ chức thiện nguyện để tự mình quan sát, khảo sát, đánh giá, phản biện…, từ đó có những trải nghiệm thú vị, những bài học bổ ích" - thầy Hiền cho biết.
Bên cạnh đó, thầy Hiền còn là thành viên và hướng dẫn học sinh tham gia diễn đàn cộng đồng giáo dục sáng tạo - nơi kết nối giao lưu giáo viên, học sinh nhiều nơi trên thế giới. Bằng các ứng dụng tin học khá phổ thông nhưng khi tham gia diễn đàn, học sinh có cơ hội thể hiện mình và học hỏi, giao lưu; giúp vốn tiếng Anh và sự tự tin được cải thiện rõ rệt. Những điều bổ ích thu nhận được, thầy Hiền tập huấn lại cho đồng nghiệp và học sinh, qua đó được cộng đồng giáo viên sáng tạo Microsoft Việt Nam bình chọn là giáo viên xuất sắc của quý.
Vào xưởng cùng sinh viên
Cùng với chủ trương liên kết nhà trường và doanh nghiệp, giảng viên Bùi Ngọc Triều, Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, là một trong những giáo viên thường xuyên sát cánh cùng sinh viên trong các chuyến thực tập tại doanh nghiệp. Qua các chuyến đi, vừa hướng dẫn, quản lý sinh viên, thầy Triều vừa làm cùng sinh viên, qua đó tiếp thu công nghệ mới và đề xuất với nhà trường những thay đổi phù hợp.
Những kinh nghiệm thực tế được thầy Triều cụ thể hóa bằng các đề xuất cho nhà trường để đào tạo bám sát thực tế, cũng như ứng dụng vào các sáng kiến chuyên môn. Điển hình là sáng kiến nghiên cứu chế tạo bộ nháy điện tử dành cho xe Innova vừa được ghi nhận.
"Với đặc thù ngành cơ khí ô tô, công nghệ chạy như bay, không chỉ sinh viên phải thực hành mà giáo viên cũng phải thường xuyên cọ xát. Để dạy sinh viên làm được thì mình phải làm được, phải xuống xưởng cùng các em. Chỉ riêng việc rửa chiếc xe thôi cũng không đơn giản, phải biết các vị trí trọng yếu, biết các hóa chất tẩy rửa nào, khả năng ăn mòn ra sao... Việc nhỏ mà làm không xong thì ai giao cho việc lớn, tôi vẫn bảo sinh viên như thế" - thầy Triều bày tỏ.
Bình luận (0)