Đến thăm khu lưu trú (KLT) Công ty CP Tập đoàn Tiến Lộc (phường Cát Lái, quận 2, TP HCM), chúng tôi rất ấn tượng với vườn cây xanh ngắt, không khí trong lành, thoáng đãng. Mỗi gia đình công nhân (CN) được bố trí ở trong một căn nhà biệt lập, có vườn cây, ao cá bao bọc xung quanh.
Yên tâm làm việc
Nói về nguyên nhân ra đời của KLT, ông Lâm Quốc Việt, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Tập đoàn Tiến Lộc, cho biết: “Công ty chính thức hoạt động từ năm 1999. Thấy CN gặp khó khăn khi phải ở nhà trọ với khoản chi phí khá lớn, năm 2003, công ty quyết định lấy khoảng đất trống 7.000 m2 để xây KLT cho anh em. KLT được hình thành với 17 căn nhà, CN được ở miễn phí, chỉ phải trả tiền điện, nước, nhờ vậy mà tiết kiệm được một phần chi phí sinh hoạt”.
Chúng tôi ghé căn nhà nhỏ, xinh xắn của vợ chồng chị Vũ Thị Hương Thơm và anh Trần Văn Dũng, làm việc ở xí nghiệp xe máy. 12 năm nay, anh chị được bố trí ở căn nhà nhỏ này. Ngoài giờ đi làm, thú vui của chị Thơm là chăm sóc mảnh vườn nhỏ cạnh nhà với đủ loại rau thơm, cây ăn trái như đu đủ, bí, bầu, mướp, tần ô, bạc hà, quế, húng... Tuy sống xa quê nhưng nhờ có mảnh vườn nhỏ này mà chị Thơm luôn có cảm giác như được ở nhà. Rau và trái cây vợ chồng chị tự trồng nên không phải ra chợ mua, mấy đứa nhỏ cũng thích lắm. Từ Hà Nam lặn lội vào thăm con gái, mẹ chị rất vui khi tận mắt chứng kiến điều kiện sống của con cháu.
Không chỉ trồng rau quả và cây ăn trái, CN ở KLT còn đào ao thả cá. Mỗi khi tổ chức liên hoan hoặc tiệc tất niên cuối năm, họ xúm lại tát cá để chế biến các món ăn khác nhau và cùng thưởng thức trong không khí ấm cúng.
“Chúng tôi rất vui khi được công ty cho ở nhà lưu trú miễn phí và có điều kiện trồng cây, nuôi cá để cải thiện đời sống. CN ở đây rất đoàn kết, thân thiết với nhau như anh em ruột thịt. Chúng tôi còn phân nhau trực, 21 giờ mỗi ngày là khóa cổng để bảo đảm an ninh” - anh Nguyễn Văn Hoan, CN xí nghiệp nhựa, cho biết.
Hai dãy nhà thẳng tắp cùng với những khu vườn nho nhỏ cho rau, trái quanh năm là nhà lưu trú Công ty CP Kỹ nghệ Đô Thành (thuộc Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn) ở huyện Củ Chi, TP HCM. Năm 2009, khi nhà máy di dời ra ngoại thành, CN hết sức lo lắng vì phải di chuyển xa, mất sức. Hiểu được tâm tư của CN, ban giám đốc xây dựng khu nhà lưu trú với 45 phòng (36 m2/phòng, gồm 1 trệt và 1 gác lửng) ngay bên cạnh xưởng sản xuất để anh em có chỗ nghỉ ngơi.
Để cải thiện chất lượng bữa ăn và tạo mảng xanh xung quanh khu nhà lưu trú, CN tranh thủ trồng bầu, bí, khổ qua, bạc hà, mồng tơi, chuối, khoai mì, xoài... Có người còn trồng hoa, cây kiểng trong vườn nhà.
Anh Ngô Thế Quan (quê Tiền Giang), làm việc tại Công ty CP Kỹ nghệ Đô Thành 13 năm, cho biết: “Lúc công ty thông báo di dời nhà máy, anh em CN hoang mang lắm nhưng khi ban giám đốc xây nhà lưu trú thì ai cũng phấn khởi”. Mời khách thưởng thức đĩa khoai mì luộc còn nghi ngút khói, chị Trần Ngọc Sương, vợ anh, khoe: “Chuối, khoai mì có quanh năm, nhiều khi ăn không hết, gia đình tôi mang sang biếu các phòng bên cạnh. Cùng cảnh xa quê nên anh chị em rất gắn bó, nhà trồng được gì hoặc có món nào ngon cũng san sẻ cho nhau”.
Để phục vụ nhu cầu giải trí của CN, công ty còn xây dựng sân bóng đá, bóng chuyền và cầu lông. Định kỳ tối thứ năm hằng tuần, Công đoàn còn tổ chức cho CN hát karaoke với nhau...
Nâng niu vốn quý
Hỗ trợ một phần tiền thuê nhà hoặc xây nhà lưu trú (NLT) cho CN ở miễn phí là một trong những chính sách được nhiều doanh nghiệp (DN) coi trọng, xem đó là cách ứng xử có trách nhiệm đối với những khó khăn mà CN đang đối diện.
Ông Sy Sâm Cau, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Giày da Huê Phong (quận Gò Vấp, TP HCM) - một trong những DN đi tiên phong trong việc xây dựng NLT cho CN tại TP, bày tỏ: “Được ở NLT miễn phí với những tiện ích tối thiểu và bảo đảm an ninh là mong muốn của CN ngoại tỉnh. Bớt chút lợi nhuận để đầu tư NLT nhằm tạo điều kiện sinh hoạt thoải mái, giúp CN giảm chi phí sinh hoạt, chắc chắc DN sẽ được nhiều hơn mất”.
Tâm sự của ông Sy Sâm Cau cũng là suy nghĩ của nhiều DN quan tâm xây dựng NLT cho CN. Kết quả khảo sát mới nhất về mức sống tối thiểu vùng của người lao động (NLĐ) trong các DN năm 2015 cho thấy mức chi tiêu trung bình của NLĐ (có nuôi con) là 4.247.000 đồng/tháng, tăng 3,6% so với năm 2014. Tại các vùng I và II, nơi có KCX-KCN tập trung, CN phải thuê nhà mỗi tháng với giá rẻ nhất từ 700.000 đồng (3 người ở), chưa kể các khoản tiền điện, nước khoảng 150.000 đồng/người. Cộng với các khoản chi cố định như gửi con nhà trẻ (1,5 triệu đồng/tháng) và tình hình giá cả các dịch vụ và đồ dùng thiết yếu, lương thực, thực phẩm tăng 7%-10%, rõ ràng đời sống CN hết sức chật vật. Mức lương tối thiểu thấp trong khi chi phí sinh hoạt cứ tăng đều đặn khiến CN không thể tích lũy được nhiều.
Phác họa bức tranh về đời sống của số đông CN cho thấy nỗ lực chăm lo cho NLĐ ở những DN như Công ty TNHH Giày da Huê Phong là rất đáng trân trọng. Thực tế, để có thể giúp CN an cư trong những khu lưu trú tiện nghi, ngoài khó khăn về kinh phí, thủ tục đầu tư, nhiều DN còn bỏ không ít công sức vận động, thuyết phục CN thay đổi thói quen sinh hoạt, giúp họ hình thành nếp sống văn minh đô thị. Đảm bảo an toàn, nhất là giúp CN tiết kiệm chi tiêu, là mục tiêu mà DN hướng đến khi xây NLT.
Theo ông Bùi Thế Hùng, Tổng Giám đốc Công ty CP Khải Hoàn - một trong những DN đầu tư xây dựng NLT cho CN, DN không thể phát triển căn cơ nếu thiếu sự góp sức của NLĐ. Biết cách nâng niu vốn quý từ chính sách chăm lo thiết thực, DN chắc chắn sẽ phát triển ổn định và bền vững.
Khánh An
Bình luận (0)