Sáng tạo từ những việc bình thường
Có lẽ tập thể CN Công ty Công trình GTCC quận 5 là những người vui nhất, vì đơn vị có 2 người đoạt giải. Đó là anh Nguyễn Văn Hùng (đội công viên), người luôn xác định cho mình trách nhiệm “mang lại màu xanh” cho người dân TP. Với suy nghĩ ấy, anh đã tận dụng các nguồn kiểng dạt, giâm lại thành bồn kiểng mới, tự sản xuất các chậu kiểng... Anh còn tận dụng gạch đá phế thải xây hòn non bộ trong công viên; cải tiến dụng cụ hớt hàng rào giúp thao tác của CN dễ dàng, không bị dập tay trong lúc sử dụng... Với những sáng kiến ấy, các năm qua, anh đã tiết kiệm cho công ty hàng trăm triệu đồng.
Còn anh Huỳnh Văn Hải, đội dịch vụ công cộng, “không tin mình được trao giải vì công việc tôi làm thật bình thường, ai cũng làm được”. Hằng ngày, thu gom và vận chuyển rác tại các nhà hàng, anh thấy thùng rác thường xuyên bị bể làm nước bẩn chảy ra, gây khó khăn cho việc di chuyển và ảnh hưởng đến môi trường nên đã thiết kế hệ thống khung thép bảo vệ, thay đổi cấu trúc bánh xe, cải tiến bánh xe đẩy. Với sáng kiến này, anh đã khắc phục được những hạn chế trên và tiết kiệm cho đơn vị hàng chục triệu đồng/năm.
Muốn được làm việc, cống hiến
Tại lễ trao giải, nhiều người rất bất ngờ khi gặp “người thợ bắt những con chữ phải chào thua” Huỳnh Tô Hà (phó phòng kỹ thuật- Công ty TNHH Nhựa Phước Thành). Không biết chữ, nhưng chỉ cần nghe tiếng máy chạy, anh biết nó “ổn” hay không. Máy ép nhựa, thổi nhựa nhập từ nước ngoài với giá từ vài trăm triệu đồng đến vài tỉ đồng/cái, vậy mà bộ phận nào hư hỏng, anh đều “chế” được phụ tùng thay thế. Chưa hết, anh còn cải tiến, gắn cái này, bớt cái kia để máy có thể tăng công suất lên gấp đôi, ba lần. Những kinh nghiệm ấy, anh đều chỉ dạy cho thợ trẻ, không giấu giếm bất cứ điều gì.
Chưa hết ngạc nhiên vì câu chuyện của Huỳnh Tô Hà, mọi người lại trầm trồ một cách thú vị khi tiếp xúc với bà Hứa Thị Tính, Phó Giám đốc kiêm chủ hãng sản xuất gia vị Việt Ấn nổi tiếng. Bằng cách nói chuyện mộc mạc, chân chất, bà cho biết, mình chẳng được học hành gì nhưng phải gánh vác trọng trách hiện nay chẳng qua là vì muốn làm tròn lời ủy thác của chồng trước khi ông qua đời. Xí nghiệp liên doanh Việt Ấn - Vianco do con trai út của bà làm giám đốc, còn bà chỉ “hụ hợ cho vui”. Tuy nhiên, ai cũng biết, bà là người nắm giữ các bí quyết gia truyền của nghề. Bận bịu trăm công ngàn việc là vậy, nhưng sáng nào bà cũng đích thân đi chợ, nấu cơm rồi cùng ăn với CN. Điều người phụ nữ ấy vui nhất là tạo công ăn việc làm cho CN và cả cho bà con nông dân vì “đầu ra nông sản hiện nay rất khó khăn và bà con mình còn cực lắm!”.
Những nhân tố đáng trân trọng
Đến với giải thưởng có một thầy giáo rất trẻ, rất tâm huyết với nghề. Đó là anh Lê Thanh Minh, Trưởng Khoa Kỹ thuật lạnh Trường KTCN Hùng Vương. Chứng kiến cảnh các em phải học “chay”, anh đã tìm tòi, nghiên cứu, chế tạo thành công mô hình kho lạnh “Made in VN”. Anh hào hứng: “Với mô hình này, giáo viên không mất thời gian giải thích các thuật ngữ khó, còn học viên được trực tiếp lắp đặt, vận hành và xử lý sự cố trên mô hình. Nhờ vậy, học viên rất dễ tiếp thu bài học”.
Còn đối với chị Nguyễn Ánh Loan, đội phó đội bảo vệ sức khỏe bà mẹ - trẻ em, Trung tâm Y tế quận 5, những suy tư, trăn trở của nghề đã thôi thúc chị nghiên cứu, hoàn thành bản thiết kế mẫu để trạm y tế các phường thực hiện quản lý thai qua “báo cáo thai nhanh”. Mẫu quản lý của chị đã góp phần ngừa 5 tai biến khi sinh, giảm chi phí vì giảm ngày nằm viện của sản phụ.
“Năm năm qua, Giải thưởng Trần Văn Kiểu đã phát hiện và tuyên dương kịp thời những người thợ giỏi, những CNVC-LĐ tận tụy với nghề và những chủ doanh nghiệp có lòng cùng CN. Đây là những nhân tố đáng trân trọng và cần được phát huy để làm động lực thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo trong CNVC-LĐ toàn quận”- ông Trương Lâm Danh, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, đã khẳng định như vậy.
Bình luận (0)