Họ trả lời úp mở. Hỏi tại sao không xin phép khách hàng về việc này thì họ đấu dịu, bảo nếu không muốn thử máu thì thôi, vui lòng ghi vào phiếu là “không đồng ý thử máu”. Mình sống lành mạnh, không dưng bị người khác thử máu không cần xin phép, hỏi chịu được không! Đó chỉ là một trong muôn nỗi phiền hà của người tham gia bảo hiểm hiện nay.
Có đóng mà không có hưởng, chờ giải ước hợp đồng
Do làm ăn khó khăn, các công ty Giày Hiệp Hưng, Da Sài Gòn, Giấy Vĩnh Huê - TPHCM... đều nợ BHXH từ 1 đến 5 tỉ đồng. Khi thôi việc, người lao động (NLĐ) không được cơ quan BHXH thanh toán trợ cấp. Vì theo quy định của liên bộ Tài chính - LĐ-TB-XH và BHXH Việt Nam, trường hợp người sử dụng lao động (NSDLĐ) không trích nộp BHXH, cơ quan BHXH có quyền từ chối chi trả cho NLĐ.
Sau sự kiện liên quan đến ca sĩ Lê Dung, nhiều người dân các đô thị lớn tỏ ra dè dặt khi phải tiếp xúc với đại lý của các hãng bảo hiểm thương mại. M. Thảo, nhân viên một văn phòng đại diện tại TPHCM có mua bảo hiểm nhân thọ của một hãng bảo hiểm nước ngoài, cho biết: “Tôi chỉ còn đóng thêm vài tháng nữa là làm thủ tục giải ước. Có thiệt đôi chút nhưng vẫn còn hơn sau này có gì bất trắc, mình không rành hợp đồng, họ gài câu chữ vào đó, chắc chắn phần thiệt về mình”. Cô cũng cho biết, những bài toán mà các đại lý đưa ra về sự sinh lợi, nếu tính toán kỹ, sẽ thấy độ tin cậy không nhiều.
Đóng nhiều hưởng ít, dư hàng chục tỉ đồng
Theo Điều lệ BHXH hiện hành, mức đóng BHXH bắt buộc là 20% tổng quỹ tiền lương đơn vị, trong đó NSDLĐ đóng 15%, NLĐ đóng 5% tiền lương ghi trong hợp đồng lao động. Từ đó mới có chuyện NLĐ làm việc trong khu vực Nhà nước đóng trên nền lương căn bản (hệ số nhân với lương tối thiểu - hiện đang là 210.000 đồng), NLĐ làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng trên nền lương tối thiểu từ 40 - 45 USD (tại TPHCM), bình quân thấp nhất cũng trên 600.000 đồng. Nhưng khi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, cơ quan BHXH chỉ chi trả trên nền lương tối thiểu 210.000 đồng. Điều đó khiến cho NLĐ trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải chịu thiệt thòi. Chưa kể khi tính trợ cấp một lần, cơ quan BHXH hết sức cứng nhắc: Làm 20 năm, trợ cấp một lần 20 tháng lương, nhưng 20 năm 11 tháng 29 ngày vẫn tính 20 năm, khoảng thời gian dôi dư không được làm tròn.
Làm việc với báo giới TPHCM vào cuối tháng 10-2001, ông Trần Văn Tiến, Tổng Giám đốc Bảo hiểm Y tế (BHYT) Việt Nam, cho biết cả nước đang có 11 triệu người tham gia BHYT, mức phí bình quân 82.000 đồng/người/năm. Ông thừa nhận quỹ BHYT còn tình trạng chi ít và biện giải do khung giá viện phí ban hành từ năm 1995 nay đã lạc hậu. Các chức sắc BHYT TPHCM cũng luôn miệng than, do thiết kế mức thu BHYT quá thấp (3% tổng quỹ lương, gồm 2% do NSDLĐ đóng và 1% do NLĐ đóng) nên thu không đủ chi, nhất là các khoản chi phát sinh sau này như chi trả chi phí các loại kỹ thuật cao.
Tại nhiều phòng khám trung tâm y tế quận, huyện TPHCM, chúng tôi ghi nhận nhiều trường hợp người tham gia BHYT được cấp thuốc thế hệ cũ hơn loại thuốc được cấp trước đó; thậm chí có loại phải tự ra ngoài mua, nhân viên ghi chữ “nợ” vào toa thuốc. Phía các trung tâm lý giải, do danh mục thuốc bị loại bớt và BHYT khống chế danh mục lẫn quỹ khám chữa bệnh ngoại trú 45%. Kể từ năm 1999, BHYT không chi một số vật tư tiêu hao trong khi chi phí này ở các bệnh viện ngoại, sản rất lớn. Tiết kiệm chi như vậy và theo chức sắc BHYT là mức thu thấp, song năm nào BHYT cũng có kết dư hàng chục tỉ đồng. Năm 1999: tổng thu trên 111 tỉ đồng, tổng chi khám chữa bệnh trên 82 tỉ đồng, trừ quỹ dự phòng và quản lý phí còn kết dư trên 14 tỉ đồng. Năm 2000, tổng thu 133 tỉ đồng, tổng chi khám chữa bệnh trên 89 tỉ đồng, còn kết dư trên 26 tỉ đồng.
Vẫn còn tư duy cũ
Trước sự thiếu hấp dẫn của chính sách BHXH, BHYT, nhiều hãng bảo hiểm thương mại tranh nhau tiếp thị các loại hình tương tự để thu hút khách hàng. Hầu như công sở nào tại TPHCM cũng nhẵn mặt các nhân viên đại lý với các chiêu thức chào mời, níu kéo; các đại lý cũng sẵn sàng đi về các tỉnh để mở rộng nguồn khách hàng.
Đó là một thực tế để các cơ quan thực hiện chính sách bảo hiểm bắt buộc phải sửa đổi, thiết kế chính sách hấp dẫn hơn, phục vụ tốt hơn cho người thụ hưởng, nếu không kịp chuyển, dự báo sẽ mất dần đối tượng tham gia. Dù bản chất của BHXH, BHYT là đóng góp cho xã hội và cho bản thân, song cũng đòi hỏi một sự sòng phẳng nghĩa vụ và trách nhiệm giữa cơ quan đầu mối và người tham gia. Lâu nay nhiều lúc các cơ quan trên còn có lối tư duy dựa dẫm vào cơ chế, ỷ lại vào quan điểm độc quyền. Tiếc thay tư duy đó vẫn còn, trong dự thảo Luật BHXH mới đây, những điểm vướng mắc căn bản, làm khổ NLĐ nhất vẫn không được sửa đổi triệt để. Thậm chí dự thảo đưa ra chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Mức đóng cao, mức chi thấp, nhưng để được chi trả khoản bảo hiểm thất nghiệp ít ỏi ấy, lại đòi hỏi nhiều thủ tục phiền hà không đáng có với NLĐ. Nếu cứ như vậy mà ban hành, bao giờ người tham gia mới hết nhọc nhằn?
Bình luận (0)