Theo lý giải của Bộ LĐ-TB-XH, quy định giờ làm thêm hiện hành không quá 300 giờ/năm được đánh giá là quá ít, và thực tế nhiều doanh nghiệp (DN) đã vi phạm quy định này, do yêu cầu về các đơn hàng xuất khẩu nên số giờ tăng ca lớn hơn. Bộ LĐ-TB&XH đề xuất nâng tiền công tăng ca từ 150% tới 400% so với tiền giờ làm bình thường (tùy vào ngày làm thêm bình thường hoặc lễ, Tết…).
Tại cuộc họp Ban soạn thảo và Tổ biên tập Dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi) mới đây, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh: "Việc tăng số giờ làm thêm trong một năm để đảm bảo sự linh hoạt cho người sử dụng lao động (NSDLĐ), tăng khả năng cạnh tranh về thị trường lao động so với các quốc gia trong khu vực. Đặc biệt, là trong hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với các điều kiện nước ta là một nước đang phát triển và phù hợp với thực tế người lao động (NLĐ) có nhu cầu làm thêm giờ để tăng thu nhập. Và, khi mở rộng khung thời gian được phép làm thêm thì cần bảo đảm quyền tự quyết của NLĐ khi tham gia vào hoạt động này.
Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Người Lao Động đã ghi nhận ý kiến của các chuyên gia lao động, cán bộ Công đoàn (CĐ), đặc biệt là NLĐ.
Ông Đinh Tuấn Kiệt, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Vĩ Châu, quận 7, TP HCM
Hệ lụy tới sức khỏe
Không thể phủ nhận việc tăng ca có thể giúp NLĐ tăng thêm thu nhập nhưng cũng khiến sức khỏe của họ bị ảnh hưởng. Bởi hiện nay, với tính chất làm việc theo dây chuyền công nghiệp, một lao động sẽ phải đứng làm việc liên tục trong một thời gian dài mới đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của công việc. Điều này khiến lao động căng thẳng, dẫn tới mệt mỏi, suy giảm sức khoẻ, từ đó năng suất lao động giảm, chưa kể tăng nguy cơ gây tai nạn lao động. Bên cạnh đó, việc chăm lo cho gia đình cũng bị ảnh hưởng bởi thời gian và sức khỏe không cho phép. Theo tôi, nên giữ nguyên quy định hiện hành (không quá 300 giờ/năm) để đảm bảo sức khỏe lâu dài cho NLĐ
Cơ quan soạn thảo phải có một cuộc khảo sát kỹ thực trạng tăng ca, đặc biệt là những tác động về mặt xã hội của việc làm thêm để đưa ra đánh giá chính xác, từ đó đề xuất khung giờ làm thêm phù hợp.
Ông Đặng Anh Đức, Giám đốc Công ty TNHH Luật Đức và cộng sự (TP Hà Nội)
Phải cân nhắc
Thể trạng sức khỏe của NLĐ có những điểm khác biệt so với lao động trong khu vực, do vậy, chúng ta cần phải tính toán kỹ nếu đề xuất tăng giờ làm thêm lên 400 giờ/năm. Nhu cầu tăng ca cùa DN là có thật song không vì thế mà chúng ta điều chỉnh thời gian tăng ca. Thực tế, ở các ngành nghề có môi trường làm việc khắc nghiệt (khai khoáng, mỏ), việc tăng giờ làm thêm sẽ khiến NLĐ kiệt sức, chưa kể phải phải đối mặt với nhiều bệnh tật về cơ xương khớp, tim mạch, sức khoẻ tâm thần…Theo tôi, cơ quan soạn thảo phải có một cuộc khảo sát kỹ thực trạng tăng ca, đặc biệt là những tác động về mặt xã hội của việc làm thêm để đưa ra đánh giá chính xác, từ đó đề xuất khung giờ làm thêm phù hợp.
Chị Nguyễn Thị Thảo Ly, công nhân Công ty TNHH Nidec Copal (Khu Công nghệ cao TP HCM)
Không nên quá 300 giờ/năm
Hiện nay, rất nhiều DN tăng ca cao hơn mức quy định. Tuy nhiên, NLĐ chấp nhận tăng ca vì thu nhập hiện nay không đủ sống. Ngoài lương cơ bản khoảng 3,5 - 4 triệu đồng/tháng, cộng thêm khoảng 1-1,5 triệu đồng tiền tăng ca, 100.000 đồng tiền hỗ trợ chỗ ở, tiền đi lại... mỗi tháng thu nhập của tôi chỉ khoảng 5 -6 triệu đồng. Dù vậy, khoản thu nhập này vẫn không đủ trang trải chi phí sinh hoạt. Việc tăng ca nhiều cũng để lại nhiều hệ lụy khi CN không có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động, việc chăm sóc con cái, gia đình cũng bị ảnh hưởng. Tôi và nhiều CN khác mong được tăng ca nhưng tăng ca vừa đủ chứ không phải vắt kiệt sức khỏe của NLĐ. Theo tôi nâng thời gian tăng ca không quá 300 giờ/năm là hợp lý.
Chị Lê Thị Thanh, Công nhân Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM):
Không có thời gian để chăm sóc gia đình
Trước khi vào Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam tôi làm việc tại một công ty may nằm trong KCN Tân Tạo. Ở công ty này, chúng tôi phải tăng ca nhiều giờ trong năm, những lúc vào mùa cao điểm giao hàng, thời gian tăng ca có thể lên hơn 70 giờ/tuần. Khi tăng ca nhiều, chúng tôi nhận được mức lương cao hơn nhưng đổi lại không có thời gian nghỉ ngơi nên sức khỏe sa sút trầm trọng. Có một số chị em trụ không nổi đổ bệnh hoặc xỉu trong giờ làm việc. Mặt khác, chúng tôi không có thời gian để chăm lo cho gia đình, con cái không ai trông nom, đưa rước, kèm cặp việc học nên hạnh phúc gia đình cũng không đảm bảo, đó cũng chính là lý do tôi thay đổi công việc.
Bên giữ nguyên quy định hiện hành (không quá 300 giờ/năm) để đảm bảo sức khỏe lâu dài cho NLĐ
Khi vào Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam, tôi ít khi phải tăng ca. Mặt khác, ở đây việc chấp hành thời giờ tăng ca được công ty chấp hành khá nghiêm chỉnh, nếu tăng ca tôi cũng chỉ làm việc đến 6 giờ tối. Tăng ca ít nên thu nhập không bằng lúc trước nhưng tôi hài lòng vì có thêm thời gian dành cho gia đình và nghỉ ngơi tái tạo sức lao động. Chính vì vậy, tôi cho rằng đề xuất nâng thời gian tăng ca lên 400 giờ/năm là không phù hợp, nên tiếp tục duy trì thời gian tăng ca tối đa là 300 giờ/năm như hiện nay.
Thu nhập từ tăng ca chỉ hơn 1.336.000 đồng/tháng
Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Công nhân và Công đoàn tiến hành trên 2.550 lao động (hơn 62% lao động nữ), trong đó trực tiếp lấy ý kiến của gần 1.400 lao động thuộc 70 DN và điều tra ngoài khu trọ với gần 1.200 lao động thuộc hơn 20 DN các ngành công thương, nông nghiệp, khai khoáng trong cả nước, nhiều lao động muốn làm thêm giờ chỉ vì lương không đủ sống. NLĐ không mong muốn làm thêm vì làm đủ ca đã mệt, nhưng vì thu nhập thấp không đủ sống nên phải làm. Thậm chí, khoảng 20% lao động nữ còn cho biết họ muốn được giảm giờ làm thêm, giảm tuổi nghỉ hưu.
Khảo sát này cũng cho thấy có tới 97% DN muốn tăng thời gian làm thêm của NLĐ. Đáng chú ý, ngành may là điển hình của tình trạng tăng ca nhiều. Cụ thể, thời gian tăng ca trung bình từ 47-60 giờ/tháng (trong khi theo quy định là 30 giờ/tháng). Như vậy, tính trung bình các DN đã cho làm thêm giờ lên tới 500 giờ/năm, thậm chí 600 giờ/năm…Tuy nhiên, trung bình thu nhập từ tăng ca của họ chỉ là hơn 1.336.000 đồng/người/tháng, chiếm khoảng 22,4% tổng thu nhập.
Bình luận (0)