Tại một công trình đang xây dựng ở phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa, chị Hồ Hồng Ngọc (31 tuổi, quê ở Đồng Tháp) tay cầm chiếc bay cẩn thận đặt từng viên gạch ngay ngắn xây bức tường nhà. Độ “chuyên nghiệp” của chị không kém mấy so với anh thợ xây bên cạnh. Bà hàng xóm của chủ nhà cất giọng miền Trung tấm tắc: “Phụ nữ mà làm phụ hồ, sắp gạch nặng nhọc như đàn ông đã giỏi rồi, thế mà chị này, còn kiêm luôn cả thợ xây như ri, thì chịu khó mà khéo quá…”. Được khen, chị Ngọc kéo chiếc khăn che mặt ướt đẫm mồ hôi xuống, cười tươi.
Hiểm nguy rình rập
Chị Ngọc theo chồng lên Biên Hòa mưu sinh với nghề thợ hồ được hai năm nay. Xách hồ, đẩy gạch, cắt sắt… đến thợ xây, việc gì cũng không làm khó được người phụ nữ vốn chịu thương chịu khó như chị. “Những ngày mới vào nghề, chưa quen công việc, tay chân như rã rời từng khúc, nhưng làm riết thành quen. Quanh năm phơi mặt giữa trời, làm bạn với đống sắt, gạch, xi măng, nhiều khi nghĩ mình chẳng khác gì đàn ông”, chị bày tỏ.
Đang xây dở, người thợ xây bên cạnh gọi hết hồ, chị lại buông chiếc bay chạy đi xúc, đẩy hồ và chuyển gạch rồi lại tiếp tục xây. Hơn 8 giờ sáng, nắng còn nhẹ nhưng vạt áo sau lưng chị đã ướt đẫm mồ hôi. Chưa xây nhanh bằng các nam thợ xây chính, vì vậy, chị kiêm hai ba việc một lúc mà chẳng nề hà.
Không chỉ vất vả, những chị em làm thợ hồ như chị Ngọc còn đối mặt với không ít hiểm nguy, tai nạn rình rập. Tính khối lượng gạch, cát, xi măng mà các chị nâng lên, hạ xuống trong tuần phải lên tới hàng tấn. Cực nhọc, nắng mưa, khói bụi, mất vệ sinh ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của các chị. Hơn thế, chuyện bị gạch rơi vào người, dẫm phải đinh, đá bắn vào mắt… có thể xảy ra bất cứ lúc nào nơi công trường đầy cát bụi.
Chia tay chị Ngọc, chúng tôi tìm đến một khu nhà đang xây dựng ở phường Bình Đa. 11 giờ trưa, chị Đỗ Thủy Liên (25 tuổi, quê ở Kiên Giang) đang hì hục cùng 5 người đàn ông xúc đất đổ nền làm móng nhà. Nghe chúng tôi hỏi thăm, chị Liên gạt mồ hôi trên trán, rẽ lớp tóc trên đỉnh đầu, rồi kể về những lần không may bị tai nạn ở đầu, phải khâu đến gần chục mũi. Đó là lần chị làm công việc chuyển gạch để xây tầng 2 của một ngôi nhà ở xã An Hòa, TP. Biên Hòa, cách đây gần một năm. Lô gạch kéo lên gần tới nơi thì bất ngờ đổ tuột xuống. Chưa kịp định hình chuyện gì thì chị bị mấy viên gạch rơi ngay vào đầu, choáng váng rồi ngã nhoài xuống đất. “Lúc đó, thấy máu chảy ướt cả tóc, mọi người hoảng lắm. Ra bệnh viện khâu hết 9 mũi, đau lắm, nhưng cũng may không bị ảnh hưởng nghiêm trọng bên trong”, chị nhớ lại.
Lần ấy, chị được các bác sĩ yêu cầu nằm lại viện để theo dõi trong 3 ngày mới được về. Xuất viện được hai tuần, vết thương chưa lành hẳn, chị lại khăn áo theo chồng đi công trình. “Giờ phải ráng thôi. Ở nhà sốt ruột lắm. Mấy ngày ấy ở bệnh viện đã mất 4 - 5 triệu rồi. Làm thợ hồ, ở nhà ngày nào là mất tiền ngày đó. Không có phụ cấp hay hỗ trợ gì đâu…”, chị Liên nói.
Những người phụ nữ làm thợ hồ như chị thường có độ tuổi từ ngoài 20 đến ngoài 40 tuổi. Công việc nặng nhọc, vì vậy, phải là những người phụ nữ có thể lực tốt, sức khỏe dẻo dai mới có khả năng chịu đựng thời tiết khắc nghiệt và có thể làm việc lâu dài. Chị Liên cho biết, đội thợ chị đang làm cũng từng có một số phụ nữ lớn tuổi hơn, là anh em cô bác với các thành viên trong đội xin vào làm. Thế nhưng, nhiều người chỉ làm được thời gian ngắn đành phải xin nghỉ vì sức khỏe không phù hợp với công việc.
Xuất giá... tòng phu
Hầu hết những phụ nữ làm nghề thợ hồ ở các công trình thường có chồng, hoặc anh em làm trong nghề. Vì muốn gia đình được sum họp, vất vả có nhau mà họ không quản ngại vất vả, lăn lộn cùng chồng nơi công trường.
Chị Ngọc kể, chồng chị làm nghề thợ hồ đã được gần chục năm. Trước đây, anh làm ở quê, nhưng thấy anh em lên thành phố làm có thu nhập cao hơn, anh cũng xin đi theo. Nghe chồng kể, đi làm xa thường xuyên sống trong hoàn cảnh tạm bợ, ăn uống kham khổ; không có điều kiện được vui chơi giải trí. Thi thoảng anh mới được về thăm quê, thăm vợ con. Thương chồng vất vả, chị Ngọc quyết định ôm con nhỏ rời quê lên thành phố để được sum họp cùng chồng. Gửi con ở trường mầm non, anh chị lại chở nhau đến công trường. Tối về, chị lo cơm nước, tất bật nhưng hạnh phúc khi được chăm sóc chồng con. “Vợ chồng con cái, vất vả nhưng sớm tối có nhau, có vất vả mấy cũng chịu được, ráng làm được ngày nào hay ngày đó. Mình còn may mắn là đưa con lên ở cùng, có nhiều người phải gửi con ở quê thì nhớ lắm”, chị Ngọc bày tỏ.
Cũng giống như chị Ngọc, chị Nguyễn Thị Tươi (37 tuổi, quê ở Hậu Giang) theo chồng lên thành phố mưu sinh bằng nghề thợ hồ. Chúng tôi gặp chị ở một công trình nhà ở đang xây dựng ở phường Tân Biên, TP. Biên Hòa. Mới làm quen với công việc, chị còn lúng túng mỗi khi được giao việc, nhất là công việc cắt sắt. Thỉnh thoảng, chị bị mấy chú, mấy bác lớn tuổi trong đội nhắc nhở. Chị kể, chồng chị lên Biên Hòa làm công việc này đã được 5 năm, hai năm sau, cậu con trai lớn cũng theo cha lên thành phố mưu sinh. Nhớ chồng, thương con, chị quyết định rời quê theo chồng phụ hồ. “Làm cùng chồng, cùng con, tôi mới thấu hết nỗi vất vả của nghề. Mong dành dụm được khoản tiền nho nhỏ rồi về quê sửa sang lại ngôi nhà”, chị Tươi trải lòng.
Mỗi ngày, những nữ thợ hồ như chị Tươi, chị Liên… được trả công trung bình khoảng hơn 200.000 đồng. Đàn ông thường được trả cao hơn với khoảng hơn 300.000 đồng. Chiều thứ bảy hằng tuần, thường là thời điểm ông chủ thầu đến công trường để phát lương trong tuần cho thợ. “Cả tuần vất vả nhưng bù lại thứ bảy luôn là ngày vui nhất của anh, chị em thợ hồ chúng tôi”, chị Tươi nói.
Bình luận (0)