Những năm đầu hoạt động, tại Công ty TNHH Sambu Vina Sports (100% vốn Hàn Quốc; chuyên sản xuất, gia công các loại balô, túi xách xuất khẩu; huyện Hóc Môn, TP HCM) thường xuyên xảy ra tranh chấp lao động tập thể. Song từ năm 2012 đến nay, công ty đã trở thành điển hình trong việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định ở địa phương. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của Ban Chấp hành (BCH) Công đoàn cơ sở, với người cầm trịch là bà Trần Thị Gái, Chủ tịch Công đoàn công ty.
Doanh nghiệp, người lao động "kết" Công đoàn
Trước khi được bầu làm Chủ tịch Công đoàn vào năm 2012, bà Gái đã có 7 năm làm việc tại công ty và chứng kiến nhiều vụ tranh chấp lao động tập thể xảy ra. Xuất phát điểm là nhân viên phòng nhân sự, có nhiều cơ hội tiếp xúc với công nhân (CN) nên bà thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ.
Thời điểm đó, chủ doanh nghiệp (DN) là người nước ngoài mới đầu tư vào Việt Nam nên chưa hiểu được vai trò của tổ chức Công đoàn, cũng chưa nắm quy định pháp luật nên có nhiều sai sót trong việc thực hiện các chính sách liên quan đến quyền lợi của người lao động (NLĐ). Mặt khác, do rào cản về ngôn ngữ nên BCH Công đoàn cũng chưa thể phát huy được vai trò cầu nối khi không thể chuyển tải hết các bức xúc của NLĐ đến ban giám đốc. Vậy nên khi ở vai trò mới vừa là Chủ tịch Công đoàn vừa là trưởng phòng nhân sự, tận dụng lợi thế về ngoại ngữ, bà Gái đã từng bước thuyết phục ban giám đốc công ty từng bước cải thiện các chính sách về lao động tại DN. Bước đầu, bà vận động DN thực hiện theo đúng các quy định pháp luật, sau đó đề xuất thêm các chính sách có lợi hơn cho NLĐ. Chính nỗ lực không mệt mỏi của bà Gái cùng BCH Công đoàn mà chế độ phúc lợi của NLĐ đã được cải thiện qua từng năm. Hiện nay, ngoài lương, NLĐ còn được hưởng một số khoản phụ cấp như: chuyên cần (50.000 đồng/tháng); xăng xe, nhà trọ (450.000 đồng/tháng); trách nhiệm (từ 20.000 đồng đến 1,9 triệu đồng/tháng). Ngoài ra, tiền thưởng của NLĐ dịp lễ 30-4, 1-5 và 2-9 là 50% lương cơ bản; thưởng Tết Nguyên đán là 100% lương cơ bản…
Bà Trần Thị Gái (giữa) thăm hỏi gia đình công nhân có hoàn cảnh khó khăn
Xác định để xây dựng quan hệ lao động thật tốt, cần phải thay đổi nhận thức từ cả DN lẫn NLĐ nên hằng tháng, ngay khi tuyển CN mới, BCH Công đoàn chủ động phối hợp với ban giám đốc tổ chức phổ biến nội quy công ty, pháp luật lao động, Luật BHXH, Luật Công đoàn... cho họ. Song song đó, bà Gái cũng công khai số điện thoại cá nhân và lập nhóm liên lạc gồm các tổ trưởng Công đoàn nhằm kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng NLĐ, từ đó phối hợp DN giải quyết nhanh chóng các bức xúc phát sinh. Cách làm bài bản và khoa học đó không chỉ giúp cải thiện đáng kể quan hệ lao động tại đơn vị mà còn làm cho DN và cả NLĐ thay đổi cách nhìn đối với tổ chức Công đoàn theo hướng tích cực hơn.
Điểm tựa lúc khó khăn
Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong DN và chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho NLĐ là 2 mục tiêu bà Gái hướng đến khi đảm nhận vị trí Chủ tịch Công đoàn. Vì thế, khi quan hệ lao động tại DN đã chuyển biến tốt, bà tập trung vào các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, NLĐ.
Sâu sát với đoàn viên - lao động nên bà Gái hiểu rõ hoàn cảnh từng người. Nhiều trường hợp gặp khó khăn đột xuất, do không có tích lũy nên sa vào tín dụng đen. San sẻ khó khăn với họ, ngoài việc kết nối với Tổ chức Tài chính vi mô CEP để hỗ trợ vốn vay, bà Gái còn đề xuất xây dựng Quỹ Tương trợ nội bộ từ nguồn kinh phí Công đoàn. Với số vốn ban đầu 30 triệu đồng, quỹ hỗ trợ CN vay không lãi suất 2 triệu đồng/lần (trả dần vào lương). Đến nay, quỹ đã giúp hơn 500 lượt CN vay để giải quyết khó khăn đột xuất.
Đối với những trường hợp đặc biệt khó khăn, ngoài trích quỹ Công đoàn để chăm lo, BCH Công đoàn còn vận động ban giám đốc và tập thể NLĐ đóng góp hỗ trợ. Con trai bị viêm phổi biến chứng lên não, chi phí điều trị cao khiến vợ chồng nữ CN Nguyễn Thị Ngọc Diễm hết sức lao đao. Chồng chị là thợ hồ, cả gia đình ở nhà trọ, lại nuôi 2 con nhỏ nên thu nhập không đủ sống. Khi biến cố ập đến, vợ chồng chị thay nhau ở bệnh viện chăm con nên cuộc sống càng quẫn bách. Thông cảm với gia cảnh của gia đình, ngoài khoản chăm lo từ Công đoàn cơ sở và khoản vay từ Quỹ Tương trợ nội bộ, bà Gái còn vận động ban giám đốc và tập thể lao động đóng góp ủng hộ con chị hơn 60 triệu đồng. "Nhờ sự hỗ trợ kịp thời của Công đoàn mà gia đình tôi có thêm chi phí trị bệnh cho con. Ân tình này vợ chồng tôi không thể quên" - chị Diễm bày tỏ.
Hơn 80% lao động tại công ty là nữ nên bà Gái cũng đặc biệt chú trọng chăm lo cho đối tượng này. Ngoài đề xuất phụ cấp nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi 40.000 đồng/người/tháng, bà Gái còn tham mưu công ty lắp đặt phòng vắt trữ sữa để tạo điều kiện cho CN nuôi con bằng sữa mẹ... "Là thủ lĩnh Công đoàn, bà Gái không chỉ làm tốt vai trò đại diện mà còn là cầu nối hiệu quả giữa DN và NLĐ, góp phần tích cực vào việc ổn định quan hệ lao động tại đơn vị" - bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Hóc Môn, TP HCM, nhận xét.
Bình luận (0)