Bộ LĐ-TB-XH đang hoàn tất hồ sơ thủ tục 11 nhóm chính sách cải cách bảo hiểm, dự kiến trình Quốc hội vào năm 2023. Trong các nhóm này sẽ giảm dần thời gian đóng BHXH, cụ thể là rút dần xuống 15 năm và tiến tới có thể 10 năm, với tinh thần đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ngắn hưởng ít.
Xung quanh đề xuất này, Báo NLĐO đã có nhiều bài viết phản ánh tình trạng ồ ạt rút BHXH một lần" và đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình của số đông bạn đọc. Nhiều bạn đọc bức xúc chỉ ra những bất cập của Luật BHXH hiện hành và đề xuất các giải pháp để hoàn thiện chính sách, từ đó hạn chế tình trạng rút BHXH một lần.
Bạn đọc Phú Nguyễn bày tỏ: "Cái người lao động cần thì không sửa, cái người lao động không cần lại sửa. Nói thật Bộ LĐ-TB-XH nên sửa sai và mạnh dạn đề nghị giảm tuổi nghỉ hưu xuống 55-60 tuổi". Một bạn đọc đặt câu hỏi: "Tại sao BHXH cứ né vấn đề chính liên quan người lao động rút một lần nhiều do không đủ kiên nhẫn để chờ đợi lương hưu ở tuổi 60, 62. Xin hỏi Bộ Lao động mỗi năm có bao nhiêu doanh nghiệp tuyển người lao động tuổi từ 45 trở lên? Doanh nghiệp đó là doanh nghiệp nào. Có bao nhiêu lao động ở tuổi đó cần có nhu cầu đóng BHXH để lĩnh lương hưu?".
Tương tự, bạn đọc Vũ Thành Đồng bức xúc: "Các vị làm chính sách nên nhớ 18 tuổi là tuổi lao động rồi nhé, cứ xuống các khu, cụm công nghiệp mà xem , doanh nghiệp có tồn tại được 30 năm thì cũng vắt hết sức người lao động rồi, không thì 48 - 50 tuổi cũng chả doanh nghiệp nào nhận nữa, thử hỏi đợi đến 60-62 tuổi mới chạm được an sinh xã hội thì cũng nghẻo rồi". Một bạn đọc tên Diễm nói: "Tôi đọc thấy rất nhiều ý kiến của cán bộ công nhân viên lao động, muốn sửa lại luật BHXH giảm độ tuổi nghỉ hưu xuống chứ không muốn giảm năm đóng BHXH. Các nhà làm luật hãy nhìn thẳng vào sự thật đi, nếu trước luật làm chưa phù hợp thì hãy sửa lại chứ đừng quanh co với cái chỗ bệnh không chữa lại dao kéo cắt chỗ khác làm bệnh thêm. Hoặc người đã đóng đủ số năm quy định đóng BHXH tối thiểu nào đó ví dụ đã đóng đủ 35 năm, thì được phép nghỉ hưu không quy định độ tuổi. Mong Báo Người Lao Động đem tiếng nói cho người lao động đến các cơ quan làm luật, để những nhà làm luật họ có được các ý kiến sát thực của người lao động".
Bạn đọc Hoàng Gia góp ý: "Cảm ơn Quý báo đã luôn đồng hành và quan tâm đến người lao động. Tôi rất đồng tình với đa số ý kiến là Bộ LĐ-TB-XH và Quốc Hội cần phải cụ thể và linh hoạt trong việc tính tuổi nghỉ hưu cho người lao động. Tôi xin đề xuất như thế này: cứ đóng 10 năm, 20 năm, 30 năm ... bảo hiểm mà người lao động muốn nghỉ hưu thì cần giải quyết cho người ta và tính toán quy cụ thể ví dụ 10 năm thì được hưởng 45%. 20 năm hưởng 60%. 30 năm 75%. Không quy định tuổi nghỉ hưu, chỉ cần quy định chính sách được hưởng lương hưu càng công tác lâu năm thì lương càng cao, và đương nhiên người lao động muốn công tác lâu năm thì phải đáp ứng được yêu cầu, vị trí, trình độ năng lực đối với công việc mà mình đảm nhận. Nếu giải quyết được điều đó tôi nghĩ rằng chẳng ai dại gì mà rút BHXH 1 lần".
Bạn đọc Đinh Duy viết: "Nhiều lao động vừa nghỉ hưu nhận được vài tháng thì đã làm thủ tục hưởng chế độ mai táng. Nên giảm tuổi nghỉ, nhận lương hưu. Quy định 60 đối với nữ và 62 đối với nam thì nhiều lao động sẽ muốn rút một lần".Theo bạn đọc Mai Văn Giàu, có một thực tế là lương hưu không đủ sống, thì thôi rút một lần để có tí vốn làm ăn. Số tiền ấy có thể mở một tiệm tạp hóa, một quán nước, một sạp rau cải, một tiệm văn phòng phẩm... lợi nhuận thu được dư sức để sống. Còn BHYT thì tự mua, vẫn hay hơn là ngồi đợi lương hưu mà lại không đủ sống. Bạn đọc Ngô Nhuận góp ý: "Đề xuất nghiên cứu theo hướng: 1. Số năm BHXH bắt buộc 20 năm. Đóng đủ 20 năm là được nghỉ hưu. Chưa đủ có thể đóng 1 lần nhưng không quá 5 năm/lần. 2. Đóng BHXH đủ 30 năm được hưởng 75% mức tiền lương bình quân tháng của 5 năm cuối. Vượt 1 năm được cộng thêm 2% nhưng tối đa không quá 80%. Thiếu 1 năm trừ 2%. 3. Đóng BHXH bao nhiêu năm thì được hưởng bấy nhiêu năm lương hưu".
Góp ý sửa đổi chính sách BHXH, một bạn đọc giấu tên viết: "Không quan trọng bao nhiêu năm, cứ đóng nhiều thì lãnh nhiều đóng ít thì lãnh tiền hưu ít đơn giản vậy thôi. Quan trọng là phải công khai cho được tổng thu tiền mà người lao động đã đóng và tổng chi ra cho người lao động..... chi phí quản lý có nhiều quá không thôi". Tương tự, một bạn đọc khác cho rằng không phân biệt trong hay ngoài quốc doanh. Nếu người lao động, nam từ đủ 53 tuổi đến 62 tuổi; Nữ từ 50 tuổi đến 60 tuổi, trong khoảng tuổi đó nếu đóng đủ thời gian BHXH theo quy định với các mốc có thể 10, 15, 18 hay 20 năm đóng BHXH ứng với tỷ lệ hưởng 45%, 55%, 65% hay 70%, thì được nghỉ hưởng chế độ BHXH hàng tháng theo nguyện vọng của người lao động và Nhà nước cũng không cần phải lo kinh phí chi trả cho những người nghỉ trước tuổi trong khu vực nhà nước như hiện nay. Theo cách đó, nếu người lao động đã có đủ điều kiện về độ tuổi, số năm đóng BHXH nhưng trong khoảng độ tuổi đó nếu họ còn đủ sức khỏe, năng lực làm việc... thì họ có thể tiếp tục phấn đấu, cống hiến làm việc để đạt được các mốc cao hơn, tương ứng với mức hưởng cao hơn, nhưng không vượt quá độ tuổi tối đa”..
Sửa luật phải từ thực tiễn cuộc sống
"Nguyên tắc đóng BHXH là đóng - hưởng. Do đó chỉ qui định mức tối thiểu đóng bao nhiêu năm là được hưởng lương hưu. Ví dụ đóng 10 năm là được hưởng 35%, trên 35% được hưởng 75- 85%. Cứ đóng đủ thời gian là được nghỉ hưu và lãnh lương hưu. Không nên qui định tuổi hưu vì nó rất vô lý. Một người tham gia thị trường lao động và đóng BHXH từ 15 tuổi chờ đến 62 tuổi mới nghỉ hưu thật là vô lý. Một người tham gia thị trường lao động đóng BHXH năm 40 tuổi đến 62 tuổi cũng nghỉ hưu. Qui định tuổi để người lao động rời khỏi thị trường lao động để nghỉ ngơi thôi. Sửa luật phải từ thực tiễn cuộc sống, đánh giá tác động của xã hội rõ ràng, kỹ lưỡng, không nên áp đặt luật sẽ không đi vào cuộc sống, làm cho xã hội bất ổn" - một bạn đọc đề xuất.
Bình luận (0)