Liên quan đến đề xuất của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội về việc giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm, trên Báo NLĐO có bài viết "Ổ ạt rút BHXH một lần: Nên giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như cũ", chúng tôi đã nhận được nhiều phản hồi tích cực của độc giả, trong đó phần lớn cho rằng đề xuất này là không khả thi.
Bạn đọc tên Dung góp ý: "Mấy hôm nay những bài báo đã nêu hầu hết là đúng những suy nghĩ của người lao động, đặc biệt là những người lao động trong khối tư nhân. Vì vậy, nhờ Báo tổng hợp một số nguyên nhân, sau đó làm một cuộc khảo sát nguyên nhân chính người lao động rút bảo hiểm 1 lần dựa trên những biến số gợi ý là những nguyên nhân người lao động đã nêu. Từ đó, cho nhà quản lý thấy được tỉ lệ của từng nguyên nhân, đâu là nguyên nhân chính, quan trọng nhất mà người lao động rút bảo hiểm một lần". Cũng theo bạn đọc này, đối với nhà quản lý cũng nên xem xét vấn đề quản lý quỹ như thế nào, cũng không thể nói rằng vỡ quỹ bảo hiểm nếu không nâng tuổi nghĩ hưu,... . Cũng đừng suy nghĩ do người lao động chưa hiểu hết những quyền lợi của lương hưu. Các nhà hoạch định chính sách, những Đại biểu Quốc hội cũng nên tổ chức nhiều cuộc đối thoại với công nhân, người lao động, đặc biệt là những người lao động thuộc khối tư nhân để lắng nghe thực sự tâm tư của họ. Đồng thời, tiếng nói của Công đoàn các cấp là rất quan trọng, phải đặc biệt lắng nghe. Từ đó có giải pháp đúng, hợp lý, hài hoà, kịp thời.
Bạn đọc Báo Người Lao Động đề nghị bỏ qui định tuổi nghỉ hưu, chỉ khống chế số năm đóng BHXH 25 năm với nam và 20 năm với nữ để được nghỉ hưu sẽ công bằng
Đồng quan điểm, bạn đọc tên Liêm viết: "Cảm ơn tác giả bạn An Chi, cảm ơn Báo NLĐ đã chuyển tải, phân tích, đánh giá rất tích cực, rất thực tế và cũng rất khoa học của rất nhiều bạn đọc về thực trạng BHXH, qua đó mong muốn các ngành chức năng lưu tâm đến cuộc sống của NLĐ để có một chính sách an sinh phù hợp, không phù phiếm".
Theo bạn đọc Nguyễn Đặng, các chính sách phần lớn do Bộ LĐ-TB-XH soạn thảo rồi Quốc hội thông qua. Trước khi tăng tuổi nghỉ hưu năm lên 62 nữ 60 tuổi, đại đa số người lao động phản đối, một số đại biểu Quốc hội cũng không đồng tình nhưng Luật vẫn được thông qua. Bây giờ muốn thay đổi thì phải sửa luật. Theo ý kiến của bạn đọc Đào Nam, càng giảm thời gian đóng BHXH thì càng nhiều người rút một lần. "Tôi năm nay 43 tuổi đóng được 17 năm BHXH tôi cũng chuẩn bị rút một lần sau đó đóng lại để 62 tuổi vẫn được về hưu" – bạn đọc này viết. Tương tự, bạn đọc Trung Nguyễn thẳng thắn nói: "Ra luật không thực tế trong khi đóng 20 năm lãnh cao nhất 45% đối với nam nữa là 55% lết giảm xuống 15 năm rồi 10 năm, vậy lương hưu được bao nhiêu? Theo tôi nên giảm tuổi nghỉ hưu vì nước ta là nước trẻ hoá dân số không phải nước có nguy cơ già hoá dân số như những nước ở Châu Âu, tăng tuổi nghỉ hưu càng làm những người trẻ thất nghiệp". Cùng góc nhìn, bạn đọc Huynh An, cho rằng đề xuất giảm số năm đóng BHXH là ấu trĩ. Không ai chờ tới 62 tuổi khi chưa 40 tuổi đã đủ số năm đóng BHXH. Mà đợi tới 62 tuổi mới được lãnh cả"
Góp ý hoàn thiện chính sách, bạn đọc tên Tùng đề nghị bỏ qui định tuổi nghỉ hưu, chỉ khống chế số năm đóng BHXH 25 năm với nam và 20 năm với nữ để được nghỉ hưu sẽ công bằng và tôn trọng quyền công dân hơn. "Ai đủ sức khỏe thì lựa chọn lao động tiếp, ai không đủ sức khỏe thì vẫn yên tâm nghỉ hưu mà không trở thành gánh nặng xã hội. Nhà làm chính sách đưa ra giải pháp đối phó thì đến NLĐ và DN tìm hướng để đối phó rồi lại vào cái vòng lẩn quẩn mục tiêu lợi ích giữa NLĐ và DN. Để thực hiện bền vững mục tiêu của chính sách BHXH thì phải đảm bảo cân bằng lợi ích giữa NLĐ và DN" – bạn đọc này góp ý.
Lương hưu khi lãnh người lao động phải đủ sống
Theo bạn đọc Anh Tài, điều bất hợp lý của Luật BHXH hiện hành là người lao động bị tước mất quyền được rút 1 lần, khi đã đóng đủ và hơn số năm quy định được hưởng chế độ hưu trí. Trong khi đó, khi người lao động bị mất việc, không còn thu nhập để sinh sống hàng tháng, thì ít ra phải được quyền rút 1 lần để làm vốn sinh nhai. "Nhưng theo quy định hiện nay của BHXH thì khi đóng đủ 20 năm theo luật hiện nay thì mất quyền rút 1 lần, mà phải đợi đến đủ tuổi hưu. Đó là điều người lao động lo lắng phải rút 1 lần trước khi đủ số năm quy định. Có thể đây chính là điều bất hợp lý nên người lao động ồ ạt rút 1 lần như hiện nay"- bạn đọc Anh Tài phân tích thêm. Với bạn đọc Anh Đức, phải phân loại lao động để đưa ra tuổi nghỉ hưu. Ví dụ người lao động chân tay thì nam 55 tuổi nữ 53 tuổi, còn lao động văn phòng thì có thể giữ nguyên.
Bạn đọc Báo Người Lao Động đề xuất phhải phân loại lao động để đưa ra tuổi nghỉ hưu. Ví dụ người lao động chân tay thì nam 55 tuổi nữ 53 tuổi, còn lao động văn phòng thì có thể giữ nguyên.
Một bạn đọc khác đề xuất: "Hạ tuổi hưởng lương hưu nam 55 nữ 53 thôi. Tuổi thọ của nữ cao hơn nam nên hạ về mức đó cho người lao động còn có động lực làm việc đóng bảo hiểm xã hội để lãnh lương hưu. Lương hưu khi lãnh người lao động phải đủ sống. Nam nữ đóng đủ 20 năm được quyền nghỉ hưu mà không phải trừ %. Nếu người lao động còn đủ sức khỏe thì tiếp tục làm việc và đóng để hưởng mức 100%, còn không thì để người lao động tự quyết định lúc nào được nghỉ nếu đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội".
Để dung hòa lợi ích giữa BHXH và NLĐ (chủ yếu là NLĐ trong khu vực ngoài Nhà nước), bạn đọc Nguyễn Văn Trực đề xuất Quốc Hội sửa luật theo hướng sau: 1. Giữ nguyên tuổi nghỉ hưu theo luật hiện hành là nam 62, nữ 60. Trong trường hợp số năm đóng BHXH của NLĐ đã đủ để hưởng mức tối đa (75%) thì được quyền về hưu mà không có thêm bất cứ điều kiện gì. 2. Thời gian tham gia BHXH để được hưởng mức tối đa: nam là 32 năm, nữ là 28 năm. Nếu sửa luật theo hướng 15 năm tham gia được hưởng lương hưu thì 15 năm đầu của nam hưởng mức 32,5%, mỗi năm tiếp theo cộng thêm 2,5% cho đến đủ 75% (15 năm đầu 32,5%, 17 năm tiếp theo 42,5%). 15 năm đầu của nữ là 36%, mỗi năm tiếp theo cộng 3%/năm cho đến đủ 75%(15 năm đầu là 36%, 13 năm tiếp theo là 39%). Tỷ lệ % hưởng các năm sau cao hơn các năm đầu là nhăm khuyến khích NLĐ giữ lại BHXH không rút một lần vì đóng càng dài càng có lợi 3. NLĐ tham gia BHXH trước 1995 thì hưởng lương hưu trung bình của 10 năm cuối. Từ 1995 đến trước năm 2000 thì hưởng lương trung bình của 15 năm cuối. Từ năm 2000 đến trước 2005 thì hưởng trung bình của 20 năm cuối. Từ sau năm 2005 đến trước 2010 thì hưởng trung bình của 25 năm cuối. Sau 2010 là trung bình của toàn thời gian.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nên tiếp thu
"Rất nhiều ý kiến đóng góp hay sát với cuộc sống người lao động, Bộ lao động thương binh xã hội, ngành bảo hiểm xã hội nên lắng nghe để làm chính sách ích nước lợi nhà ,bảo đảm an sinh xã hội,hội nhập kịp thời với các nước phát triển"- Bạn đọc Công Nguyên bày tỏ.
Bình luận (0)