Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH đang hoàn tất hồ sơ thủ tục 11 nhóm chính sách cải cách bảo hiểm, dự kiến trình Quốc hội vào năm 2023. Trong các nhóm này sẽ giảm dần thời gian đóng BHXH, cụ thể là rút dần xuống 15 năm và tiến tới có thể 10 năm, với tinh thần đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ngắn hưởng ít.
Xung quanh ý kiến này, trên Báo NLĐO có vệt bài viết: "Ồ ạt rút BHXH một lần". Các bài viết nhận được sự đồng thuận cao của đa số bạn đọc Báo Người Lao Động.
Theo nhiều bạn đọc, muốn người lao động không rút một lần thì cơ quan soạn thảo nên lắng nghe, thay vì đưa ra biện pháp đối phó theo kiểu "quản không được thì cấm". BHXH nên thiết kế lại khung mức đóng, hưởng lương hưu để người lao động khi đóng đủ BHXH có quyền lựa chọn rút một lần, lĩnh lương hưu theo nguyện vọng với phương châm đóng ít hưởng ít, đóng nhiều hưởng nhiều, số năm đóng BHXH bằng với số năm hưởng lương hưu....nếu chính sách BHXH mà tốt thì có khuyến nghị rút người lao động cũng không rút.
Bạn đọc Võ Tuấn Hải đặt câu hỏi khá thẳng thắn: "Tại sao mỗi lần sửa luật là thêm một lần NLĐ bất an mà không hớn hở chờ đợi. Đề nghị minh bạch việc thu chi và đầu tư quỹ BHXH, hằng năm thu bao nhiêu, chi cái gì bao nhiêu, quỹ đang đầu tư gì bao nhiêu và lợi nhuận ra sao. Ai sẽ bù vào những thiệt hại cho NLĐ khi những thất thoát xảy ra như vụ 1.500 tỉ đồng vụ Công ty cho thuê tài chính I và II ALC I và ALC II? Xin các vị Đại biểu Quốc hội hãy nhìn vào thực tế NLĐ bằng cặp kính màu trắng, chứ đừng nhìn bằng cặp kính màu hồng qua các báo cáo của cơ quan BHXH". Tương tự, bạn đọc giấu tên nói: "Có phải là từ khi có quyết định tăng tuổi nghỉ hưu, thì tình trạng rút BHXH có chiều hướng tăng, nếu đúng như vậy thì cơ quan chức năng cần phải xem xét lại".
Đề cập đến những bất hợp lý của chính sách BHXH hiện hành, bạn đọc Nguyễn Văn Nam phân tích: "BHXH ra luật không hợp lý về cách tính lương hưu, tính trung bình từ lúc tham gia đóng bảo hiểm. Tôi tham gia bảo hiểm từ 1991 hồi ấy lương đóng có vài trăm ngàn. Nếu tính cả quá trình thì 2030 tôi nghỉ hưu còn được mấy đồng Trong khi luật BHXH là những người tham gia đóng bảo hiểm trước 1995 về hưu tính theo mức lương 5 năm cuối". Bạn đọc Nguyễn Mười nêu ví dụ: "Còn một cách tính trượt giá rất thiệt hại cho người đóng BHXH mà ít người chú ý để phản ảnh. Tôi đóng BHXH từ năm 1992, mức đóng 600.000 đồng/tháng. Cần phải nói thêm là vào năm 1992 lương tôi thuộc loại cao so với bạn cùng ra trường, phần đông khoảng hơn 200.000đ / tháng, Căn cứ theo bảng tính trươt giá, hệ số tính vào năm 2022 hệ số là 5,1 thì quy đổi tôi đóng ở mức 3.060.000đ, mức này là quá thấp, thấp hơn mức lương tối thiểu năm 2022.".
Cùng góc nhìn, bạn đọc Nguyễn Thị Thanh Hoa bức xúc: "Tôi ký HĐLĐ năm 1998, lúc đó Luật quy định Nam 60, Nữ 55 được về hưu và nếu về hưu sớm thì mỗi năm về hưu trước tuổi trừ 1%. Bây giờ Luật thay đổi Nam 62, Nữ 60 mới được về hưu và mỗi năm về hưu sơm sẽ bị trừ 2%. Cảm giác như bị đánh lừa. Công nhân ở DN tôi toàn nghề nặng nhọc độc hại, chỉ mong được về hưu sớm do sức khỏe không đáp ứng được công việc, còn ngồi văn phòng như tôi thì mắt mờ, lưng đau chả biết có cố được đến 55 không chứ đừng nói gì đến 60. Mong các cơ quan chức năng xem xét đến ý kiến của người lao động để xây dựng chính sách cho phù hợp. Bố tôi đóng BHXH hơn 40 năm, về hưu sớm được 2 năm thì mất, anh trai tôi cũng đóng BHXH hơn 30 năm về hưu sớm cũng 2 năm thì mất, nên chả biết có mấy ai sống mà hưởng hưu được không".
Theo bạn đọc Nguyễn Thị Thạnh, người lao động đóng tiền BHXH và người sử dụng lao động trích đóng BHXH cho người lao động là thành quả, là mồ hôi, công sức (thậm chí cả máu) của người lao động tích lũy trong một thời gian dài với mục đích đảm bảo an sinh xã hội khi hết điều kiện lao động. Đây phải được xem là tài sản tiền gởi của NLĐ. Do vậy, nếu người lao động chẳng may qua đời khi chưa đến tuổi nghỉ hưu, di sản này phải được thừa kế theo hàng, theo quy định của pháp luật. "BHXH Việt Nam có thống kê hàng năm có bao nhiêu người lao động đóng BHXH nhưng từ trần mà không được hưởng lợi ích gì từ quỹ mà mình đổ mồ hôi cồn sức để đóng góp này không?" – bạn đọc này chất vấn.
Theo bạn đọc Nguyễn Văn Toàn, cơ quan soạn thảo luật nên tiếp thu ý kiến của người lao động. Chính sách đóng BHXH đã và đang đẩy cái khó cho phía người lao động. Vì đóng đủ 15 năm BHXH ở tuổi 40 nhưng phải chờ tới 22 năm nữa để đủ tuổi mới được nhận lương hưu, thì người lao động sẽ sống như thế nào. Đó mới là cái chìa khóa mà người lao động cần chính sách BHXH mở nó để người lao động yên tâm tham gia đóng BHXH không rút một lần như hiện nay. Bạn đọc Pham Trang bày tỏ: "Tuổi nghỉ hưu cần phải dựa vào ngành nghề đặc thù riêng, không thể cào bằng như hiện nay được". Còn bạn đọc tên Phi thì đề xuất: "Nên tách ra 2 chế độ cho người nghỉ hưu 1 là khối hành chính sự nghiệp còn lại là khối lao động trực tiếp như công nhân".
Cốt lõi vấn đề là tuổi nghỉ hưu quá cao
Theo bạn đọc Trần Trọng, sửa đổi Luật BHXH theo hướng rút thời gian đóng BHXH xuống 15 năm tiến tới 10 năm, không phải là giải pháp hợp lý đối với người lao động, thử hỏi nam giới 19 tuổi đi làm 62 tuổi mới được nghỉ hưu, nếu liên tục thì có 43 năm đóng bảo hiểm, nếu chỉ cần 15 năm đóng được nghỉ hưu thì năm 34 tuổi nam đã đạt mốc có thể nghỉ hưu, nhưng phải chờ 28 năm nữa. Thực lòng mà nói ai bảo thời gian đóng bảo hiểm quá dài nên phải điều chỉnh xuống 15 năm để người lao động khỏi rút BHXH một lần là không thật lòng với đại đa số người lao động. Cái cốt lõi vấn đề như nhiều người lao động đã nêu là tuổi nghỉ hưu quá cao, áp đặt môi trường, điều kiện lao động khác nhau cùng một mốc nghỉ hưu như thế thì không công bằng. "Mong rằng qua diễn đàn này của báo Người lao động cơ quan soạn thảo sửa đổi Luật BHXH có cái nhìn thực tế khách quan hơn để điều chỉnh Luật đem lại lợi ích hơn cho người lao động, cụ thể như để tuổi nghỉ hưu và cách tính lương hưu như trước đây để người lao động yên tâm tham gia BHXH"- bạn đọc Trần Trọng viết.
Bình luận (0)