Diễn đàn "Vì sao người lao động ồ ạt rút BHXH một lần" trên Báo NLĐO tiếp tục nhận được phản hồi tích cực của bạn đọc Báo Người Lao Động. Góp ý trên diễn đàn này, nhiều bạn đọc đã thẳng thắn chỉ ra những bất cập của Luật BHXH hiện hành (chính sách lương hưu, tuổi nghỉ hưu, tỉ lệ hưởng lương hưu, các tính lương bình quân của cả quá trình tham gia); đồng thời bày tỏ mong mỏi Quốc hội sớm sửa đổi Luật BHXH nhằm khắc phụ triệt để các hạn chế đã nêu, lấy lại niềm tin cho người lao động.
Bạn đọc Kim Thương bày tỏ: "Tiêu đề của báo cũng đã nói lên sự lo lắng của người lao động và đưa ra những ý kiến đóng góp thỏa đáng cho để sửa đổi Luật BHXH. Mong Đảng, Quốc Hội, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ ngành, nhất là Bộ LĐ-TB-XH quan tâm sâu sắc, xác đáng, tìm mọi cách tháo gỡ sửa đổi bổ sung Luật BHXH thật sự đi vào cuộc sống và là chỗ dựa vật chất tinh thần cho NLĐ trong thời gian sau thất nghiệp, sau khi nhận được lương hưu cho đến hết cuộc đời. Mong rằng những đóng góp của độc giả và báo sẽ đến Đảng, Quốc Hội, Nhà nước, Chính phủ, các bộ ngành nhất là Bộ LĐ-TB-XH và sẽ thành hiện thực, BHXH hoàn thành sứ mệnh cao cả vì sự ấm no hạnh phúc của NLĐ, thể hiện tính ưu việt của chế độ XHCN nước ta".
Đồng quan điểm, bạn đọc Phạm Hưng chia sẻ: "Rất mong Báo Người Lao Động tiếp tục bám sát, đi sâu vào mảng đề tài này, vì đây là vấn đề liên quan đến người làm công ăn lương toàn xã hội. Nó liên quan trực tiếp đến an sinh xã hội. Chính sách không đi vào thực tế cuộc sống sẽ nảy sinh những bất cập cố hữu, do vậy rất cần mổ xẻ" - bạn đọc này nói.
Bạn đọc Trần Bá chia sẻ: "Để xảy ra tình trạng ồ ạt rút bảo hiểm một lần, cơ quan BHXH chỉ có tuyên truyền một chiều về lợi ích khi tham gia BHXH. Đúng là BHXH có lợi ích, ai đủ sức khỏe để tham gia lao động đều biết, nhưng họ cũng phải so sánh trăn trở có nên rút BHXH một lần không Và họ buộc phải rút vì những thay đổi trong chính sách của người lao động khi tham gia BHXH hiện nay khiến họ bất an. Cụ thể trong một thời gian từ 2016 đến nay đã điều chỉnh quyền lợi thụ hưởng của người lao động như; thay đổi tỷ lệ cách tính khi nghỉ hưu, tăng tỷ lệ trừ khi suy giảm khả năng lao động, tăng tuổi nghỉ hưu kể cả của đối tượng suy giảm khả năng lao động. Thực tế việc điều chỉnh này gây bất lợi cho người lao động và không công bằng cho những người nghỉ hưu ở các giai đoạn khác nhau"
Bạn đọc tên Thanh bày tỏ: "Nhà nước nghĩ đến việc an sinh xã hội, người lao động NLĐ còn lo xa hơn vì ảnh hưởng đến quyền lợi cá nhân của họ khi về già. Nhưng tại sao tăng tuổi hưu, tăng tỉ lệ % trừ khi chưa đủ tuổi, chưa đóng đủ số năm.... Nếu cách tính cũ thì nữ 55 tuổi và đóng đủ 25 năm thì sẽ được 75%, còn theo luật BHXH mới thì nữ 60 tuổi. Nếu làm công nhân môi trường làm việc vất vả, lương thấp đợi đến 60 tuổi để lĩnh lương hưu thì sức khỏe giảm sút và số lương hưu đó không đủ sống. Bên cạnh đó, tuổi thọ càng ngày càng giảm đi do ăn uống theo cách công nghiệp nhưng tuổi hưu lại tăng lên đó là mâu thuẫn nhau. BHXH là bảo hiểm bắt buộc nên NLĐ và NSDLĐ bắt buộc phải tham gia chứ nếu để tự nguyện tôi nghĩ không ai tham gia cả, nên cái việc có cơ hội NLĐ họ rút BHXH một lần cũng là chuyện dễ hiểu".
Tương tự, bạn đọc tên Nguyễn nói: "Có nội dung rất kỳ lạ đóng đủ 15 năm thì đủ điều kiện được hưởng lương hưu là 45% nhưng nếu người lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu theo luật nam 62, nữ 60 thì không được nhận hưu mà phải đợi đến đúng tuổi nghỉ hưu mới đượ nhận ... Đây chính là mấu chốt khiến NLĐ rút tiền 1 lần, thực tế có những người họ làm và đóng BHXH từ năm 20 tuổi cho đến 55 tuổi thì đủ 75% hưu, cũng là mức kịch trần và họ muốn nghỉ hưu sớm nhưng phải đợi đến tuổi quy định mới nhận được lương hưu".
Góp ý cho những bất cập của Luật BHXH hiện hành, bạn đọc tên Nghĩa phân tích: "Có một thực tế là việc tính lương hưu hoàn toàn bỏ qua trượt giá nên những người đóng BHXH với mức vừa đủ hưởng lương hưu ở mức 45% đến 60% sẽ có lương hưu cao hơn những người công tác lâu năm hơn và đóng BHXH nhiều hơn. Mang tiếng hưởng mức 75% nhưng lương hưu thực tế sẽ thấp hơn do thời gian dài không tính trượt giá sẽ kéo bình quân lương tháng thấp xuống".
Theo bạn đọc Huỳnh Lam Duy, tốt nhất đừng khống chế tuổi mà hãy cho người lao động quyết định có hưởng lương hưu hay không khi họ đã đóng BHXH đủ số năm theo quy định dù mức lương hưu có thấp, đừng để họ chờ quá lâu mà không biết ngày mai sẽ ra sao". Tương tư, bạn đọc Võ Thanh góp ý: "Hiện nay theo quy định người lao động nữ đóng đủ 15 năm và nam là 20 năm thì khi tới tuổi hưu sẽ lãnh 45% mức lương đóng, mỗi năm tăng thêm sẽ cộng 2% và tối đa là 75% lương. Tôi xin đề xuất chính sách mới như sau: Mức lãnh lương hưu là mức lương trung bình trong 10 năm gần nhất và không phân biệt công lập hay tư nhân. Người lao động cả nam và nữ đóng đủ 15 năm được quyền lựa chọn tiếp tục đóng hoặc lãnh lương hưu. Mức lãnh là 45% lương đóng và nếu tại thời điểm lãnh mà mức lãnh dưới lương tối thiểu vùng thì áp dụng mức tối thiểu vùng. Nếu người lao động chọn tiếp tục đóng BHXH thì mỗi năm đóng tăng thêm sẽ được cộng thêm 1% và tối đa 100% lương đóng. Lương hưu sẽ được tính như một phần thu nhập và sẽ bị đánh thuế nếu tổng thu nhập trong năm bao gồm lương hưu thu nhập khác ở mức phải chịu thuế TNCN. Nếu người đang hoặc chưa lãnh lương hưu chết thì người hôn phối vợ/chồng hoặc cha mẹ ruột/nuôi sẽ được lãnh phần đó với tổng 80% mức lương hưu. Nếu người lãnh lương hưu không còn cha,mẹ, người hôn phối nhưng phải nuôi con nhỏ dưới 18 tuổi thì con nhỏ sẽ được lãnh và tổng mức lãnh là 100% lương hưu của người đó cho tới khi tới đủ 18 tuổi. Người thụ hưởng mức lương hưu sẽ có nghĩa vụ đóng thuế TNCN nếu mức lãnh trên mức chịu thuế.
Xem người đóng BHXH là khách hàng
Theo nhiều bạn đọc, nếu không sửa đổi cho phù hợp với nhu cầu hợp lý về lương hưu của người lao động thì chắc chắn hiện tượng rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ tiếp tục tiếp diễn. Theo bạn đọc Kim Trần, BHXH là tổ chức Nhà Nước phi lợi nhuận. Tuy nhiên BHXH nên tôn trọng người đóng BHXH như là khách hàng, từ quan điểm đó đề ra các chính sách khuyến mãi hấp dẫn và phù hợp với từng thành phần đối tượng. Hãy để khách hàng lựa chọn, không nên cứng nhắc một chế độ duy nhất cho tất cả mọi người.
Bình luận (0)