Tại huyện Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình), có đến hàng chục trường hợp xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang nước ngoài, vay vốn ở Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện này nhưng nhiều năm qua vẫn không có khả năng chi trả. Cơ quan chức năng huyện này đang đau đầu xử lý các khoản nợ xấu.
Vỡ mộng... làm giàu
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, vào năm 2010, Công ty XKLĐ và Chuyên gia Thanh Hóa (Chi nhánh Hà Tĩnh) đến địa bàn xã Thượng Hóa đặt vấn đề với UBND xã về việc môi giới tuyển dụng XKLĐ sang nước ngoài làm ăn. Tại địa phương này có đến 42 trường hợp tham gia. Sau khi phía công ty đề xuất, UBND xã Thượng Hóa đã phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện đứng ra tín chấp với Hội Nông dân xã và Hội Cựu chiến binh xã tạo điều kiện cho hàng chục người dân địa phương vay tiền để sang nước ngoài với hy vọng đổi đời. Sau khi hoàn tất các thủ tục, 40 lao động tại xã này được sang Malaysia làm việc, 2 trường hợp còn lại không đủ điều kiện xuất cảnh nên không thể tham gia đường dây do Công ty XKLĐ và Chuyên gia Thanh Hóa môi giới.
Theo điều tra, trong số 40 lao động xuất khẩu thì 19 lao động có việc làm, 16 lao động mắc bệnh và vi phạm luật lao động bị trục xuất, 5 lao động không có việc làm nên phải trở về. Tất cả số lao động nói trên đều là người dân tộc thiểu số. Một số lao động dù có việc làm nhưng do thu nhập thấp nên sau khi hết hạn trở về nước vẫn không có khả năng trả nợ. Ngoài ra, một số trường hợp khác không được xuất cảnh, vi phạm luật lao động, mắc bệnh nên bị trục xuất trở về địa phương... đều thuộc diện gia đình khó khăn, nên đến nay vẫn không đủ khả năng trả hết nợ.
Nhiều người dân tại xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình vỡ mộng vì xuất khẩu lao động
Theo tìm hiểu của chúng tôi, vào năm 2009-2010, nắm được chủ trương của UBND huyện Minh Hóa đang khuyến khích các nhà đầu tư tích cực tham gia vào lĩnh vực đào tạo nghề, giải quyết việc làm và XKLĐ, Công ty XKLĐ và Chuyên gia Thanh Hóa đã trực tiếp về tận nhà dân để tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đối tượng công ty này nhắm tới là đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã Thượng Hóa, Tân Hóa, Dân Hóa, Hóa Sơn... Bằng việc tận tình đưa đón lao động đi làm thủ tục vay vốn, đơn vị này đã tạo điều kiện cho trên 100 trường hợp trong huyện được tham gia vay vốn ở Ngân hàng CSXH huyện Minh Hóa với mức vay bình quân 25 triệu đồng/trường hợp để nộp cho công ty. Đáng nói, sau khi người dân vay vốn và nộp tiền cho công ty, do bất đồng về mức lương ghi trong hợp đồng không đúng như công ty đã hứa khi tuyển dụng tại xã nên một số người không chịu đi. Số khác, sau khi được công ty đưa sang Malaysia thì gặp phải các lý do như công việc không phù hợp, mắc bệnh tật, vi phạm luật lao động, không có việc làm nên đã bị trục xuất về nước...
Loay hoay thu hồi nợ xấu
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đinh Thanh Văn, Chủ tịch UBND xã Thượng Hóa, thừa nhận hàng chục trường hợp tại địa phương sau khi đi XKLĐ đến nay vẫn không đủ khả năng trả nợ. Cá biệt, một số trường hợp vay tiền chưa trả hết nhưng đã tử vong, nợ nay vẫn còn nguyên. Đơn cử như trong tháng 7-2019, có trường hợp anh Trần Xuân Quý, trú tại bản Phú Minh. "Tại địa phương, bà con đi XKLĐ hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đi nước ngoài làm ăn với hy vọng đổi đời nhưng khi trở về đa phần lao động không hiệu quả, công việc và thu nhập bấp bênh nên một số người không thể trả nợ được" - ông Văn nói.
Theo ông Văn, UBND xã Thượng Hóa đã đề nghị với các cấp có thẩm quyền vào cuộc giải quyết, tháo gỡ nhưng đến nay vẫn chưa thấy có kết luận cụ thể nào. Số người dân vẫn đang ôm nợ thì thực tế không có khả năng chi trả, địa phương này đang đau đầu xử lý. Còn ông Hồ Hải Dương, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Minh Hóa, cho biết năm 2014, đơn vị buộc phải khoanh nợ lần 1 để gia hạn đối với 103 trường hợp vay tiền để tham gia XKLĐ cùng Công ty XKLĐ và Chuyên gia Thanh Hóa. Đến tháng 6-2019, hệ thống tự động thông báo nợ của ngân hàng về các trường hợp nói trên đã "nhảy" sang lần 2 và cho thấy vẫn còn hàng chục trường hợp nợ quá hạn. Theo ông Dương, có tới 34 trường hợp từng vay vốn ở ngân hàng để tham gia XKLĐ cùng Công ty XKLĐ và Chuyên gia Thanh Hóa nhưng vẫn chưa trả nợ xong. Tổng số tiền dư nợ quá hạn của 34 trường hợp này là hơn 760 triệu đồng. "Ngân hàng đã nhiều lần cử cán bộ, nhân viên về tận hộ vay để điều tra, khảo sát khả năng trả nợ nhưng hầu hết các hộ rơi vào hoàn cảnh khó khăn, tài sản không có gì đáng giá, khả năng lao động kiếm thu nhập hằng ngày không cao... Số khác hễ biết chúng tôi đến là trốn vào rừng" - ông Dương nói.
Kiến nghị xóa nợ với các lao động khó khăn
Ông Đinh Minh Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa, cho biết huyện đang đề nghị trung ương xem xét khoanh nợ cho các trường hợp có khả năng lao động để trả nợ; thực hiện xóa nợ đối với những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
"Chúng tôi cũng kiến nghị các ngành chức năng giám sát, quản lý chặt chẽ các đơn vị tuyển dụng XKLĐ nhằm tránh hiện tượng lừa đảo, gây mất niềm tin trong nhân dân; chú trọng tuyên truyền về hiệu quả từ XKLĐ để nhân dân nhận thức đúng đắn hơn" - ông Hương bày tỏ.
Bình luận (0)