Ngày 22-10, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về vấn đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng từ ngày 1-7-2020, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết đề xuất tăng lương năm 2020 của Chính phủ rất phù hợp, trước hết là với nghị quyết của Quốc hội tới năm 2020.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đồng tình với đề án tăng lương cơ sở, tuy nhiên Chính phủ phải điều hành nền kinh tế để tăng lương mà giá cả không tăng
"Năm ngoái chúng ta đã tăng lương 7%, năm nay, nếu mức tăng là 110.000 đồng thì tức là tăng 7,33%, đúng với tinh thần nghị quyết. Vấn đề là Chính phủ cân đối nguồn lực để tăng lương ở đâu, đó mới là vấn đề quan trọng. Nếu ta tập trung để nâng được mức lương cơ sở vào năm 2020 thì chúng ta sẽ có cơ hội để cải cách tiền lương vào năm 2021 theo Nghị quyết của Trung ương"- ông Bùi Sỹ Lợi chia sẻ.
Tuy nhiên tiến độ sắp xếp lại các đơn vị hành chính sự nghiệp và các tổ chức bộ máy chính trị theo báo cáo của Bộ Nội vụ là rất chậm và hiệu quả chưa cao. Điều này tác động rất lớn đến vấn đề cải cách chính sách tiền lương "Bộ máy quá cồng kềnh thì ngân sách không chịu nổi. Và bộ máy cứ lớn, chúng ta cứ cải cách thì sẽ lạm phát về tiền lương. Về bản chất, tiền lương chi trả theo sức lao động và cân đối cung cầu. Nếu tăng lương mà giá cả tăng lên thì tăng lương không có ý nghĩa gì" - Ông Lợi khẳng định.
Đồng thời với cải cách chính sách tiền lương, tuy nhiên ông Lợi đề nghị Chính phủ phải tích cực tinh giản biên chế, cải cách bộ máy hành chính, đặc biệt là sắp xếp lại các đơn vị hành chính sự nghiệp theo hướng mau chóng chuyển sang tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Theo ông Lợi, tăng lương cơ sở đương nhiên sẽ tăng chi thường xuyên. Tuy nhiên, việc tăng lương cũng là theo nghị quyết của trung ương, của Quốc hội để đảm bảo đời sống của người lao động. Vấn đề cơ bản là Chính phủ phải điều hành kinh tế vĩ mô ra sao để không làm tăng chỉ số giá sinh hoạt CPI và tiếp tục tích cực cải cách bộ máy để giảm nhẹ biên chế và chuyển mạnh các đơn vị sự nghiệp công lập sang mô hình tự chủ, tự chịu trách nhiệm thì mới có nguồn để cải cách tiền lương và mới giảm được chi hành chính, trong đó có chi ngân sách cho tiền lương.
Trước đó, chiều 21-10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2020. Đáng chú ý, trong báo cáo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết năm 2020 Chính phủ dự kiến sẽ dành 61.500 tỉ đồng để cải cách tiền lương. Điều này có nghĩa là nếu được Quốc hội cho phép, từ ngày 1-7-2020, mức lương cơ sở sẽ được điều chỉnh tăng lên 1,6 triệu đồng/tháng.
Bình luận (0)