Chiều 18-5, UBND TP Hà Nội và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP phối hợp tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động thủ đô năm 2023.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Ngân Phương
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề cập đến chuyện người dân đứng xếp hàng từ tờ mờ sáng đợi làm thủ tục cấp lý lịch tư pháp và đề nghị Sở Tư pháp trao đổi về vấn đề này.
Bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội, cho biết thời gian vừa qua, thủ tục đề nghị cấp phiếu lý lịch tư pháp trên địa bàn có sự gia tăng đột biến. Nguyên nhân do rơi vào thời điểm sinh viên ra trường đi làm; do sau dịch COVID-19, các doanh nghiệp khởi động trở lại thu hút đông đảo đội ngũ công nhân lao động tham gia...
Theo bà Hương, Luật Lý lịch tư pháp không quy định thời hạn giá trị phiếu lí lịch tư pháp nhưng qua kiểm tra, có doanh nghiệp yêu cầu người lao động sau 6 tháng làm việc phải có phiếu mới, dù người này vẫn làm việc bình thường tại doanh nghiệp. Trong thời gian tới sẽ đề xuất cơ quan có thẩm quyền những giải pháp để không gây khó khăn cho người lao động.
Bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng những doanh nghiệp có hành vi như vậy đang lợi dụng kẽ hở để "hành công nhân", yêu cầu Sở Tư pháp Hà Nội xem xét việc doanh nghiệp, tổ chức yêu cầu người lao động phải có phiếu lý lịch tư pháp mới sau 6 tháng có đúng luật hay không? Nếu không thì xử lý doanh nghiệp như thế nào?
"Phải ghi nhận những trường hợp này báo cáo cho Bộ Tư pháp, báo cáo lại thành phố để xử lý. Trước mắt cần làm gì? dài hạn cần làm gì? Trong bối cảnh khó khăn như thế này mà lợi dụng kẽ hở để hành công nhân. Vừa tốn kém thời gian, vừa tốn kém tiền bạc trong khi lương của công nhân thấp" - ông Thanh nói.
Liên quan đến vấn đề nhà ở cho công nhân, Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Thành ủy, UBND TP sẽ cố gắng đẩy nhanh tiến độ, dự án để trong nhiệm kỳ này khởi công được một số nhà ở xã hội theo kế hoạch, chương trình 1 triệu nhà ở xã hội cho người lao động.
"Các doanh nghiệp đã tương đối sẵn sàng, thành phố mong muốn cuối năm 2023 và 2024 tập trung khởi công một số khu nhà. Làm đồng bộ, tập trung, quan tâm đến việc công nhân có thể tiếp cận được không dựa trên khoảng cách địa lý. Hà Nội cũng sẽ có chính sách riêng để công nhân với mức lương bình quân 7 triệu đồng có thể tiếp cận được nhà ở xã hội, có tính khả thi. Thành phố đang rất quyết liệt nhưng việc này cần có thời gian nhất định, kế hoạch và lộ trình cụ thể" - ông Trần Sỹ Thanh khẳng định.
Về chính sách tiền lương, chế độ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho hay hiện nay chúng ta đã có cơ chế xây dựng chính sách tiền lương tương đối cụ thể, bảo vệ tối đa nhất có thể quyền lợi của người lao động, đảm bảo tính hấp dẫn tối thiểu nhà đầu tư đến Việt Nam, kể cả nhà đầu tư trong nước.
Về những vấn đề liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm, tư pháp… Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh cho biết thành phố cùng các sở ngành đang có những giải pháp quyết liệt, giảm thiểu việc anh chị em công nhân không phải đến cơ quan hành chính, cố gắng rút ngắn thời gian thực hiện hành chính công; tháng 7-2023, UBND TP sẽ trình HĐND TP xây dựng đề án miễn giảm tất cả chi phí cơ bản phí nộp thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của thành phố với điều kiện làm trực tuyến. Để công nhân lao động dành thời gian nhiều hơn cho lao động sản xuất, tăng năng suất, có thời gian nghỉ ngơi, giảm tối đa rủi ro.
Đối với những kiến nghị về khám chữa bệnh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định sẽ cùng các sở ngành tổ chức nhiều kênh, nhiều hình thức để công nhân có cơ hội khám chữa bệnh tại bệnh viện công vào những ngày thuận lợi cho công nhân....
Bình luận (0)