Ai cũng biết nhà Hương nghèo lại đông em nên chị phải tằn tiện. Ở cạnh phòng chị khá lâu rồi mà tôi không thấy chị mặc một chiếc áo mới. Bữa cơm chiều của chị hầu như chỉ có rau xào, trứng luộc. Ngày cuối tuần không đi làm, không có bữa trưa ở công ty thì chị ăn cơm nhà với mấy con cá khô chiên và trái dưa leo hoặc cà chua…
Cũng rất lâu rồi, chúng tôi không thấy anh nào theo đuổi chị Hương. Tằn tiện như vậy, mỗi tháng chị dư ra được hơn 3 triệu đồng để gửi về quê phụ giúp gia đình. Người khen chị chịu thương, chịu khó; kẻ chê chị vắt chày ra nước, sống chẳng ra con người. Ai nói gì mặc kệ, chị cứ cười cho qua hoặc trả lời: “Có ở trong hoàn cảnh mình thì mới hiểu”.
Cho đến một ngày trước khi nghỉ Tết, công ty tổ chức tiệc tất niên. Lâu lắm rồi mới được ăn ngon nên chị Hương ăn nhiều. Không ngờ, tối đó chị bị đau bụng, đi ngoài, nôn mửa phải chở đi cấp cứu. Bệnh viện chẩn đoán chị bị rối loạn tiêu hóa. “Người ta ăn không sao, còn mình ăn vào lại bị bệnh thế này, chán thật” - chị than thở. Bác sĩ điều trị giải thích rằng cơ địa mỗi người mỗi khác. Có khi người này ăn không sao nhưng người khác lại không hợp, sinh bệnh. Đặc biệt, với những người có bữa ăn đơn điệu thì sức đề kháng của cơ thể yếu, có nguy cơ bị rối loạn tiêu hóa cao khi dùng thức ăn lạ.
Giờ thì tôi đã hiểu vì sao trong khu nhà trọ của mình, cứ mỗi lần đi ăn tiệc về thì lại có người bị đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa. Tằn tiện quá đáng như chị Hương thì không có nhưng nhiều người cũng không quan tâm đến bữa ăn của mình, chỉ dùng qua loa cho xong. Bộ máy tiêu hóa chỉ quen với rau cỏ, đến khi bị lèn chặt thịt cá từ các bữa tiệc thì nó bị quá tải và nổi loạn bằng cách đổ bệnh.
Tôi kể lại câu chuyện này để nhắc các bạn của mình muốn làm việc tốt, muốn chăm lo cho gia đình tốt thì trước tiên phải chăm sóc tốt bản thân. Một cơ thể yếu đuối, bệnh hoạn thì sức bền kém, năng suất lao động thấp. Đặc biệt, cán bộ quản lý cũng không thích trong bộ phận mình có những công nhân ốm yếu, bệnh hoạn và như vậy thì nguy cơ mất việc cũng rất cao.
Bình luận (0)