ĐB Nguyễn Đăng Nghĩa:
NLĐ bị chủ o ép, trả lương rẻ mạt
Cần phải thấy rằng, hầu hết công nhân (CN) tại các KCX-KCN hiện nay đều có trình độ thấp, cần việc làm để mưu sinh. Biết rõ điều này, nhiều chủ doanh nghiệp (DN) o ép, trả lương rẻ mạt. Do đó, ngừng việc tập thể là hậu quả tất yếu. Ngoài tiền lương thấp, nguyên nhân tranh chấp còn do CN bị tăng ca quá nhiều, môi trường làm việc kém, cách điều hành quản lý của các ông chủ dễ gây tâm lý ức chế cho CN... Về phần mình, các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là Sở LĐ-TB-XH TPHCM, cần tăng cường kiểm tra để bảo đảm quyền lợi cho người lao động (NLĐ), buộc các DN tuân thủ pháp luật và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
ĐB Trương Trọng Nghĩa:
Đừng đổ lỗi cho CĐ và NLĐ!
Có một thực tế là một bộ phận chủ DN đối xử với CN không tốt, thậm chí cố tình vi phạm pháp luật lao động, xâm hại quyền lợi CN. Đặc biệt, cách đối xử của các chủ DN này với CN là điều đáng nói nhất. Trao đổi với chúng tôi, một doanh nhân Việt kiều thổ lộ rằng ngừng việc tập thể ít xảy ra ở các DN trong nước mà chủ yếu ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, bởi các chủ DN người VN thường đối xử với NLĐ tốt hơn. Ngừng việc tập thể chủ yếu là do chủ sử dụng lao động, đừng đổ lỗi cho CĐ, cho NLĐ. Vì thực tế, NLĐ nào khi đi làm cũng đều mong muốn có công ăn việc làm ổn định, có đời sống đầy đủ và được chủ DN đối xử đàng hoàng. Chẳng ai dại gì mà ngừng việc để tự đánh mất những điều đó.
ĐB Lê Như Ái:
Phải sống cuộc sống của CN
Có thể khẳng định, những gì DN có đều nhờ vào công sức của NLĐ chứ không thể nói do ông giám đốc, ông CEO giỏi. Theo tôi, DN cần uyển chuyển, mềm dẻo. Khi nào NLĐ đòi hỏi quá đáng thì nên gặp gỡ, đối thoại, tìm cách giải quyết thích hợp. Hai DN của vợ chồng tôi có gần 1.500 CN, nhưng từ trước đến nay không hề xảy ra tranh chấp, ngừng việc tập thể. Bởi, dù là chủ DN nhưng chúng tôi luôn sống cuộc sống của CN. Nghe bà xã đi chợ than phiền giá cả tăng, tôi hiểu ngay rằng CN sẽ khổ hơn nên nhanh chóng tăng thu nhập cho họ. Năm trước, chúng tôi đã tăng lương hai lần và năm nay chuẩn bị tăng nữa. Nhiều năm làm DN, tôi hiểu rằng mình thương CN thì CN sẽ thương mình; sẽ cùng mình xây dựng DN phát triển.
ĐB Nguyễn Việt Dũng:
Thu nhập NLĐ quá thấp
Thu nhập thấp và điều kiện làm việc kém là những nguyên nhân chính gây nên tình trạng ngừng việc tập thể trong thời gian qua. Điều đáng được quan tâm nhất hiện nay chính là thu nhập của CN không đáp ứng mức sống tối thiểu. Tiền lương tối thiểu được điều chỉnh từng năm, trong khi mức trượt giá thì hằng tháng, hằng quý. Thà chậm còn hơn không, cần phải nâng thu nhập, cải thiện đời sống, đối xử công bằng với NLĐ. Bên cạnh đó, DN cần tạo điều kiện thuận lợi cho CĐ hoạt động, tôn trọng và lắng nghe ý kiến CĐ. Điều đó giúp DN hiểu CN hơn, có chính sách chăm lo cho CN tốt hơn và giúp DN phát triển ổn định.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TPHCM: Kiến nghị tăng mức phạt doanh nghiệp sai phạm Trước áp lực của giá cả gia tăng, đời sống CN vốn đã khó khăn càng khó khăn hơn. Điều này cũng lý giải vì sao nhiều vụ ngừng việc tập thể thời gian qua đều có nguyên nhân đòi tăng lương. Chính vì thế, DN phải đối thoại để hiểu và chia sẻ, đồng cảm với NLĐ. Báo cáo của các KCX-KCN TP cho thấy, CN trong các DN may mặc, thu nhập quá thấp, bình quân chỉ từ 1 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập như vậy, thì không đủ trang trải cho cuộc sống hằng ngày để tái tạo sức lao động, nói gì đến tích lũy, gởi về quê cho gia đình. Cơ chế đối thoại, hợp tác giữa CĐ và giám đốc cần được tôn trọng. Đó là cơ sở giúp DN ổn định. Đối với cơ quan quản lý Nhà nước, mà cụ thể là Sở LĐ-TB-XH, phải cùng cơ quan BHXH tăng cường kiểm tra, xử phạt các DN vi phạm pháp luật về lao động, BHXH để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ. Tôi hiểu và chia sẻ với bức xúc của CN khi tiền đóng BHXH của họ bị DN chiếm dụng, gây thiệt hại quyền lợi. Để làm được việc này, Sở LĐ-TB-XH cần tăng cường kiểm tra, xử lý các DN vi phạm thật nghiêm minh. TP sẽ kiến nghị tăng mức phạt các DN trốn đóng BHXH, vi phạm pháp luật lao động để đủ sức răn đe. |
Bình luận (0)