Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Việc làm - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Kim Dung cho rằng cuộc CMCN 4.0 được coi như điểm nhấn của kỷ nguyên số và tác động mạnh mẽ đến các ngành nghề trong nền kinh tế của Việt Nam.
Điều đó thể hiện qua sự tác động đến số lượng, chất lượng việc làm (thay thế sức lao động bằng máy móc, robot, trí tuệ nhân tạo và ứng dụng công nghệ thông tin) trên thị trường lao động Việt Nam. Điều này cũng sẽ làm thay đổi bản chất của việc làm, một số công việc biến mất, đồng thời tạo ra nhiều công việc mới.
Nhân lực Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức lớn trong cuộc đua mang tên cách mạng công nghiệp 4.0
Tác động đến chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu CMCN 4.0 với nền tảng công nghệ số, tích hợp tất cả các thông tin về công nghệ, quy trình, phương thức sản xuất, nhu cầu về ngành nghề, kỹ năng... Với khả năng kết nối, chia sẻ trên toàn thế giới thông qua các thiết bị công nghệ cũng sẽ làm thay đổi cách thức kết nối giữa cung và cầu trên thị trường lao động, tác động lớn đến công tác phân tích, dự báo thông tin thị trường lao động.
Hội nghị cũng đã đề cập đến những tác động từ cuộc CMCN 4.0 đến thị trường lao động đang ngày một rõ nét. Vì vậy, cách vận hành, quản lý nhân lực cũ có thể gây nhiều khó khăn và thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, việc tăng cường năng lực, thay đổi cách đào tạo, nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động đóng vai trò then chốt cho sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc triển khai những mô hình, cách thức kinh doanh sáng tạo và áp dụng khoa học công nghệ mới cũng là nền tảng để tăng năng suất lao động, tiết giảm việc tiêu thụ các nguồn lực, giúp doanh nghiệp tăng trưởng bền vững trong dài hạn nói chung và kỷ nguyên số hóa nói riêng.
Bình luận (0)