Phóng viên: Bà đánh giá thế nào về sự hợp tác giữa tổ chức Công đoàn (CĐ) TP HCM và BHXH TP thời gian qua?
- Bà NGUYỄN THỊ THU: CĐ là tổ chức đại diện cho người lao động (NLĐ), tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ và tham gia quản lý kinh tế - xã hội. Chính sách BHXH nhằm từng bước mở rộng và nâng cao việc bảo đảm vật chất, chăm sóc, phục hồi sức khỏe, góp phần ổn định đời sống cho NLĐ và gia đình trong các trường hợp NLĐ ốm đau, thai sản, hết tuổi lao động, chết, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, gặp rủi ro hoặc các khó khăn khác. Như vậy, mục tiêu của 2 cơ quan đều hướng đến lợi ích của NLĐ. Từ năm 2009 đến nay, BHXH TP và LĐLĐ đã ký kết chương trình phối hợp trong công tác hằng năm nhằm đánh dấu sự gắn kết chặt chẽ, thể hiện trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện chính sách chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo đảm quyền lợi của NLĐ và góp phần ổn định an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.
Thời gian qua, hai bên đã phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, qua đó giúp người sử dụng lao động (NSDLĐ) và NLĐ hiểu rõ quyền và nghĩa vụ khi tham gia BHXH cũng như nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. BHXH TP cũng cung cấp thông tin tình hình tham gia BHXH, BHYT, BHTN của các doanh nghiệp (DN) để tổ chức CĐ nắm bắt kịp thời, tham gia, trao đổi, giám sát việc thực hiện chính sách đối với NLĐ ở các DN. Ngoài ra, hai bên còn thường xuyên trao đổi thông tin tình hình DN, cập nhật các quy định pháp luật, các chính sách mới về BHXH, BHYT, làm cơ sở cho việc thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát của tổ chức CĐ; đồng thời phối hợp hỗ trợ hướng dẫn, giải thích cho NLĐ nhận thức đầy đủ nghĩa vụ - quyền lợi cũng như các điều kiện về thủ tục cần thiết khi yêu cầu được hưởng chế độ BHXH, BHYT.
BHXH quận Bình Tân, TP HCM trả sổ BHXH cho công nhân Công ty TNHH Bum Jin Vina
Ảnh: Mai Chi
Tuy nhiên, trong quá trình hợp tác, do nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, tổ chức CĐ - nhất là CĐ cơ sở - vẫn bộc lộ những hạn chế nhất định. Hầu hết người làm công tác CĐ tại cơ sở đều làm công tác kiêm nhiệm, vẫn làm công ăn lương từ DN nên khi biết chủ DN cố tình không đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ cũng ngại báo cáo cho CĐ cấp trên. Do thiếu thông tin về hoạt động kinh doanh của DN cũng như sự bất hợp tác của chủ DN, CĐ cấp trên lại không đủ lực lượng, thời gian để kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật BHXH, từ đó diễn ra tình trạng chủ DN bỏ trốn khi nợ lương NLĐ và nợ BHXH. Công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHTN chưa sâu rộng đến đoàn viên CĐ, công nhân (CN) và NLĐ.
Để khắc phục những hạn chế đó, theo bà, tổ chức CĐ cần phải làm gì?
- Theo tôi, ngoài vận động các DN thành lập tổ chức CĐ nhằm bảo vệ quyền lợi của NLĐ, tổ chức CĐ TP cần đẩy mạnh các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ CĐ, đặc biệt là cán bộ CĐ cơ sở để tuyên truyền, giải đáp kịp thời những thắc mắc, kiến nghị của NLĐ. Bên cạnh đó, LĐLĐ TP cần tuyên truyền chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN đến tận NLĐ, nhất là CN ở các KCX-KCN. Đặc biệt, cần thông tin, tuyên truyền đến chủ DN quy định về xử lý hình sự đối với tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ tại điều 216 của Bộ Luật Hình sự 2015 bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018. Theo đó, gian lận BHXH, BHTN bị phạt tiền từ 20 đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù 3 tháng đến 2 năm. Tội trốn đóng BHXH, BHYT... đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm; phạm tội 2 lần trở lên phạt tiền từ 200 đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; tội trốn đóng BHXH từ 1 tỉ đồng trở lên phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc bị phạt tù từ 2-7 năm.
Thời gian tới, BHXH có giải pháp gì đế hỗ trợ tổ chức CĐ thực hiện tốt hơn vai trò của mình?
- Trong khâu tuyên truyền, ngoài thống nhất nội dung, tài liệu tuyên truyền pháp luật BHXH, BHYT, BHXH TP sẽ hỗ trợ LĐLĐ TP phân loại đối tượng tuyên truyền để chuẩn bị nội dung sao cho phù hợp trong từng lĩnh vực cụ thể. Đối với đối tượng là CN, NLĐ, hai bên sẽ chú trọng phổ biến quyền và nghĩa vụ liên quan tham gia BHXH, BHYT. Hằng năm, BHXH TP hỗ trợ cung cấp tài liệu tuyên truyền pháp luật BHXH, BHYT, BHTN theo kế hoạch do LĐLĐ xây dựng. Giải pháp hỗ trợ khác là chúng tôi sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ thu, chi BHXH, BHYT, BHTN trong các đơn vị sử dụng lao động; tiếp tục phối hợp giải quyết chốt sổ BHXH cho CN tại các DN có chủ bỏ trốn hoặc DN trên thực tế đã ngưng hoạt động.
Định kỳ hằng tháng, BHXH chuyển danh sách các đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên, LĐLĐ TP thông báo tình hình nợ của DN cho CĐ cơ sở để thông tin lại cho NLĐ biết và tác động để DN nộp kịp thời, không để nợ quá lâu và quá lớn sẽ khó khắc phục, dễ dẫn tới tranh chấp phức tạp. Làm tốt điều này sẽ hạn chế tình trạng chủ DN bỏ trốn khi không thể thanh toán nổi số tiền nợ.
Bình luận (0)