32 năm qua, CEP đã nỗ lực đưa những đồng vốn nhỏ cùng các dịch vụ tiết kiệm, phát triển cộng đồng đến tận tay 5,4 triệu lượt hộ gia đình CN-LĐ nghèo tại TP HCM, các tỉnh miền Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long với số tiền trên 83.000 tỉ đồng, kịp thời hỗ trợ NLĐ vượt qua khó khăn, hạn chế tình trạng vay tín dụng đen, từng bước ổn định cuộc sống và đi lên cùng với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội.
Giai đoạn hiện nay, do tác động của đại dịch COVID-19, điều kiện việc làm, thu nhập không ổn định, không có tiết kiệm dự phòng, nhiều CN-LĐ đã vướng vào tín dụng đen. Tín dụng đen tiếp cận, cho vay rất nhanh với lãi suất rất cao ẩn dưới danh nghĩa nhiều loại phí, từng bước bào mòn người đi vay, kèm các thủ đoạn đòi nợ phi pháp, khiến cho nhiều CN phải nghỉ việc, lâm vào cảnh túng quẫn. Do đó, CEP rất phấn khởi khi Đại hội Công đoàn thành phố lần thứ XII xây dựng chương trình "Công đoàn TP HCM đẩy mạnh hoạt động trợ vốn cho đoàn viên - NLĐ, góp phần tham gia phòng chống tín dụng đen giai đoạn 2023 - 2028".
Đại diện Tổ chức Tài chính vi mô CEP (bên phải) và Công đoàn các KCX-KCN TP HCM ký kết thỏa thuận hợp tác hỗ trợ vốn cho công nhân .Ảnh: THANH NGA
Qua khảo sát, thu thập ý kiến của CN-LĐ, CEP đã đăng ký tham gia thực hiện 3 nhóm giải pháp cụ thể sau: Mở rộng phạm vi phục vụ cho CN-LĐ; nâng cao kiến thức tài chính, giúp NLĐ phòng tránh tín dụng đen và quản lý hiệu quả tài chính cá nhân; phát triển nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vốn ngày càng cao của NLĐ. Mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2023 - 2028 là CEP sẽ hỗ trợ trên 1,4 triệu lượt CN-LĐ với tổng doanh số cho vay trên 50.000 tỉ đồng; huy động tiền gửi có kỳ hạn là 2.500 tỉ đồng; huy động tiết kiệm từ đoàn viên, NLĐ là 1.200 tỉ đồng; hỗ trợ phát triển cộng đồng cho 195.000 lượt CN-LĐ với tổng kinh phí 60 tỉ đồng; tổ chức cho 63.000 lượt CN tham gia các hoạt động phòng chống tín dụng đen và tư vấn tài chính cá nhân cho 76.000 CN.
Để tham gia hiệu quả vào chương trình hành động của tổ chức Công đoàn thành phố trong nhiệm kỳ tới, CEP đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam có chủ trương để LĐLĐ các cấp tham gia gửi tiền có kỳ hạn tại CEP, góp phần gia tăng nguồn vốn phục vụ CN-LĐ; cho phép áp dụng cơ chế đặc thù về quản lý tài chính đối với CEP trên cơ sở Luật Các tổ chức tín dụng và văn bản pháp luật chuyên ngành; kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sửa luật, thông tư, tạo hành lang pháp lý phù hợp với thực tiễn hoạt động tài chính vi mô.
CEP cũng mong mỏi LĐLĐ thành phố tiếp tục quan tâm chỉ đạo Công đoàn các cấp, các đơn vị trực thuộc phối hợp và tích cực hỗ trợ CEP triển khai hoạt động đến NLĐ; có cơ chế khuyến khích các cấp Công đoàn trực thuộc gửi tiền gửi có kỳ hạn tại CEP. Bên cạnh đó, LĐLĐ TP Thủ Đức, LĐLĐ các quận, huyện, Công đoàn các KCX-KCN TP HCM, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, Công đoàn cơ sở: phối hợp với các chi nhánh CEP triển khai hoạt động đến các đơn vị trên địa bàn; duy trì, bổ sung nguồn tiền gửi có kỳ hạn; giới thiệu, tạo điều kiện để CEP đẩy mạnh triển khai chương trình phòng chống tín dụng đen trong CN-LĐ.
Bình luận (0)