Có thể nói cuộc hội thảo hoạt động Công đoàn (CĐ) trong công ty liên doanh (CTLD) do Tổng Công ty (TCT) Thép Việt Nam tổ chức tại TPHCM vừa qua đã gây được ấn tượng mạnh.
Ngay từ đầu, trong phần đề dẫn, ông Lê Khắc Nhanh, Phó Chủ tịch CĐ TCT Thép Việt Nam, đã đưa ra một “hình nền” hy vọng cuộc hội thảo tìm ra câu trả lời: 100% cán bộ CĐ kiêm nhiệm, không có điều kiện nghiên cứu luật pháp và chưa dành nhiều thời gian cho hoạt động CĐ; cán bộ CĐ bị ràng buộc bởi việc làm, thu nhập nên ngại va chạm; đại diện lãnh đạo phía đối tác thường xuyên thay đổi nhiệm kỳ ảnh hưởng đến mối quan hệ lao động; phía đối tác nước ngoài thường ứng xử không phù hợp phong tục, tập quán của dân tộc ta; văn bản pháp lý quy định về quyền, nội dung hoạt động CĐ, trách nhiệm của liên doanh đối với tổ chức CĐ chưa đầy đủ, rõ ràng.
Không nên... tham gia quản lý?
Căn cứ người thật, việc thật, các đại biểu đã đưa ra một số kinh nghiệm khá sắc sảo. Ông Hồ Quang Thiệp, Giám đốc CTLD Nippovina, hiến kế: Thỉnh thoảng nên có cuộc gặp gỡ phía nước ngoài với sự hiện diện của CĐ cấp trên và Sở LĐ-TB-XH để họ có điều kiện bày tỏ những trăn trở, ưu tư. Chính quyền, CĐ phải cùng phối hợp thực hiện tốt chức năng xây dựng và phát triển công ty, phải nỗ lực xây dựng bầu không khí thân mật, cởi mở. Đây cũng là một trong những nguyên nhân tạo dấu ấn cho hoạt động CĐ trong việc chăm lo lợi ích người lao động (NLĐ). Ông Nguyễn Trọng Sáng, Phó Giám đốc Vinakyoei, cho biết: Từ năm 1996 đến nay, phong trào lao động sáng tạo trong công ty đã khẳng định khả năng của NLĐ Việt Nam: cải tiến, chế tạo sản phẩm mới; giảm tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu; tăng hiệu suất sử dụng máy móc. Chính phong trào thi đua do CĐ phát động đã chinh phục đối tác nước ngoài trong liên doanh. Đồng thuận với quan điểm này, ông Lưu Văn Hoạt, Chủ tịch CĐ Công ty Tôn Phương Nam, minh họa bằng việc làm ở đơn vị mình: Bám sát hoạt động sản xuất kinh doanh, CĐ tổ chức hướng dẫn NLĐ thực hiện phong trào thi đua với tinh thần làm lợi cho công ty và cũng tăng thu nhập cho NLĐ. Thỏa ước lao động tập thể phổ biến sâu rộng, được các bên thực hiện nghiêm túc. Nhờ vậy, 9 năm qua không có khiếu nại nào về quyền lợi NLĐ.
Từ thực tế trên, ông Võ Kim Hùng, Chủ tịch CĐ Công ty Thép Miền Nam, cho rằng: Căn cứ tính chất của đơn vị liên doanh, CĐ không nên “lao vào” việc tham gia quản lý. Hãy đi vào những công việc cụ thể nhằm tác động vào sự tăng tiến của doanh nghiệp và quan tâm đến quyền lợi NLĐ.
Vai trò người đại diện phía Việt Nam rất quan trọng
Bà Hoàng Thị Loan, Tổng Giám đốc Công ty Gia công và Dịch vụ Thép Sài Gòn, mang đến hội nghị chuyên đề “Vai trò của người đại diện phía Việt Nam trong hoạt động CĐ của CTLD”.
Do tính chất của hoạt động liên doanh, nhận thức vai trò CĐ của người đại diện phía nước ngoài hiện nay còn nhiều sai lầm. Họ cho rằng CĐ là phía đối lập với ban giám đốc, luôn đòi hỏi quyền lợi và là tổ chức chống đối lại các quy định của ông chủ. Họ đầu tư vào Việt Nam trước hết là vì lợi nhuận nên các hoạt động của CĐ như văn nghệ, thể thao mà ảnh hưởng đến giờ làm việc là không chấp nhận. Sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, phong tục, tập quán cũng làm cho họ nắm bắt luật pháp Việt Nam hạn chế.
Theo bà Loan: Người đại diện phía Việt Nam đưa sang liên doanh đều là đảng viên, đại diện vai trò lãnh đạo của Đảng trong liên doanh, vì thế họ là người hiểu vai trò tổ chức CĐ. Với cương vị ngang bằng, hoặc cao hơn phía nước ngoài, họ có thể dễ dàng giải thích cho phía nước ngoài hiểu về CĐ Việt Nam. Trong quá trình lãnh đạo, người đại diện phía Việt Nam phải hỗ trợ và tạo điều kiện hết sức mình cho hoạt động CĐ có hiệu quả, cụ thể: Trong quá trình soạn thảo các quy định hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty, có những vấn đề liên quan đến NLĐ như nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể, ký kết HĐLĐ, xây dựng thang bảng lương... cần có ý kiến của đại diện CĐ. Ông Phạm Ngọc Tuyết, Chủ tịch CĐ Công ty Vingal, phản ánh: Ban giám đốc ít quan tâm đến tổ chức CĐ. Chưa một lần thật sự hòa mình vào các phong trào của CĐ để hiểu được sự khó khăn mà CĐ luôn phải đối mặt.
Mới chỉ là hiệu quả bước đầu
Có thể thấy hoạt động CĐ trong các CTLD ở TCT Thép Việt Nam khá thuận lợi. Có lẽ vì thế mà hội thảo có nét đặc biệt: Gần một nửa đại biểu là giám đốc, phó giám đốc; ghi nhận hiệu quả hoạt động CĐ, đóng góp cho hội nghị nhiều ý kiến gợi mở.
Có mặt tại cuộc hội thảo, ông Đậu Văn Hùng, Tổng Giám đốc TCT Thép Việt Nam, phát biểu ghi nhận những hiệu quả bước đầu của tổ chức CĐ. Theo ông Hùng, một trong những nguyên nhân tạo cho các đơn vị liên doanh hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, nhiệm vụ chính trị của ngành, tạo điều kiện thuận lợi cho CĐ hoạt động là do TCT đã chọn được đối tác phù hợp cả về năng lực, kinh nghiệm và thiện chí. Có đối tác nước ngoài tạo thuận lợi cho hoạt động CĐ là một sự may mắn, đã khiến cho hoạt động CĐ trong đơn vị liên doanh ở TCT Thép Việt Nam xứng đáng là một bức tranh đẹp. Tuy nhiên, chính sự may mắn hiếm có này đã khiến không ít người băn khoăn: Nếu không có thiện chí của phía đối tác nước ngoài thì CĐ sẽ hoạt động và gặt hái được kết quả như thế nào. Và phải chăng hoạt động CĐ trong CTLD vẫn phải phụ thuộc lòng tốt của ông chủ phía nước ngoài.
Hẳn nhiên, câu trả lời sẽ phải tìm ở nhiều cuộc hội thảo khác với thực tế cần được thử thách thêm qua thời gian cùng sự năng động, đổi mới của tổ chức CĐ.
Bình luận (0)