Đó là vì nữ nhân viên ấy vốn đã có 3 bằng đại học, nếu phát huy hết vốn kiến thức của 3 cái bằng ấy thì cô thừa sức ngồi vào chiếc ghế giám đốc công ty. Ấy vậy mà so với các nhân viên chỉ có 1 bằng đại học thì có mặt cô còn thua. Nếu giờ phải mất thêm hơn 2 năm nữa để tậu chiếc bằng thứ tư thì e rằng chỉ mất công vô ích vì xem ra cái chuyên ngành cô định đăng ký học chẳng dính dáng gì tới chuyên môn đang làm.
Tôi quyết định mời nhân viên ấy lên gặp mặt. Nghe tôi hỏi đã suy nghĩ kỹ chưa về vấn đề học hành, cô ấp úng: “Dạ, em cũng đã suy nghĩ nhiều lắm. Em biết nếu đi học thì sẽ tốn thời gian, công sức, tiền của; thậm chí còn có thể không hoàn thành tốt công việc chuyên môn và bị xếp loại kém. Thế nhưng, em muốn đầu tư cho tương lai nên trước mắt có thể chấp nhận thiệt thòi...”.
Tôi phân tích cho cô nhân viên thấy cô đã lãng phí rất nhiều thứ khi tậu 2 cái bằng đại học tiếp theo cái đầu tiên. Đó là vì cô học theo phong trào, học mà không biết rõ để làm gì, những kiến thức đã học không hề giúp ích gì cho công việc hiện tại hoặc có thể là do cô không biết áp dụng chúng vào thực tế như thế nào. “Trong quá trình làm việc, nếu thấy khiếm khuyết kiến thức chỗ nào thì bổ sung chỗ ấy. Đầu tiên là phải tìm tòi, tự học, tự nghiên cứu; sau đó nếu thấy cần thiết thì mới đến trường...”. Tôi nói và dẫn chứng cho cô thấy những tấm gương tự học thành đạt trong công ty.
Thế nhưng, cô nhân viên của tôi vẫn không thông. Cô nói không muốn bỏ tất cả trứng vào một giỏ, y như thể người ta đầu tư tài chính! “Em học để đó, mai mốt hội nhập sâu rộng với thế giới, nếu không làm được nghề này, em sẽ làm nghề khác. Dù sao thì cũng phải có bằng cấp để chứng minh trình độ của mình” - cô nhân viên của tôi vẫn giữ nguyên quan điểm.
Tôi đành phải ký giấy cho cô đi học. Thật ra, tôi và rất nhiều nhà quản lý, điều hành khác cần một nhân viên giỏi, có kiến thức chuyên sâu, nắm vững các vấn đề của công việc và xử lý hiệu quả chứ không cần nhân viên có một đống bằng cấp mà chẳng làm được việc gì...
Bình luận (0)