Cố tình không thực hiện các khuyến cáo
Tính đến nay, cuộc ngừng việc tập thể của CN đã bước sang ngày thứ 12. Bức xúc nổi cộm nhất của CN vẫn là chính sách tiền lương và nợ BHXH. Đáng nói là những vấn đề này đã được các cơ quan chức năng TPHCM và quận Gò Vấp khuyến cáo, nhắc nhở nhiều lần, song mọi việc vẫn không có biến chuyển.
Sau những đợt ngừng việc trong năm 2005, công ty đã có một số thay đổi về chính sách tiền lương (từ 38 bậc lương xuống còn 7 bậc), song điều này vẫn chưa làm thỏa mãn số đông CN. Họ cho rằng việc công ty không đưa các khoản phụ cấp vào lương trên hợp đồng lao động (hoặc phụ lục hợp đồng) thực chất là “chẻ nhỏ” tiền lương để né tránh thực hiện chế độ BHXH cho CN. Một vấn đề gây bức xúc khác là việc truy thu nợ BHXH từ năm 2003 trở về trước. Đến giờ này, dù chưa thực hiện nghĩa vụ truy nộp (17%) BHXH, song khi CN nghỉ việc đều bị công ty trừ 6% tiền lương.
Tiền hậu bất nhất
Sau Tết, khi CN rục rịch ngừng việc tập thể đòi nâng lương, một số chủ quản đã tuyên bố trong tháng 4-2008 sẽ nâng lương đồng loạt cho CN. Song, sau vụ ngừng việc tập thể cuối tháng 3-2008, lãnh đạo công ty lại tuyên bố “không có chuyện nâng lương” khiến CN chưng hửng. Một minh chứng khác cho sự tiền hậu bất nhất của công ty là chuyện trả lương tăng ca. Trước đây, để khuyến khích CN tăng ca, kể từ giờ thứ 3 trở đi, công ty thỏa thuận trả 200% lương cho CN. Thế nhưng, mới đây, công ty chỉ tính 150%. Chính việc làm tùy tiện này khiến CN bức xúc, ngừng việc tự phát.
Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều CN nói, họ không biết ông chủ thực sự của Công ty Huê Phong là ai? Là HĐQT, ban giám đốc hay chủ quản và cán bộ quản lý ở các xưởng? Bức xúc của CN là có cơ sở, bởi thực tế thời gian qua, việc đánh giá tay nghề, xét nâng bậc hoàn toàn do chủ quản và một nhóm cán bộ quyết định. Tại buổi đối thoại chiều 22-4, một nữ CN gay gắt: “Họ thích ai thì cứ đề xuất nâng bậc, nâng lương mà không tính đến tính chất công việc, năng lực của người lao động. CN đã nhiều lần phản ứng vấn đề này, song không được công ty xem xét, giải thích”. Đó cũng là lý do vì sao xảy ra trường hợp CN mới có mức lương cao hơn CN cũ; lương cán bộ quản lý thấp hơn lương CN. “Đây hoàn toàn là lỗi công ty, do vậy phải chấn chỉnh ngay để bảo đảm công bằng cho CN” - ông Trương Đăng Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp - TPHCM, khuyến cáo.
Bà Nguyễn Thị Dân, Trưởng Phòng Lao động - Tiền lương - tiền công, Sở LĐ-TB-XH TPHCM: Thiếu công khai, minh bạch Đa số yêu sách của CN là chính đáng. Các khoản phụ cấp phải được thể hiện bằng văn bản; đi kèm với thang, bảng lương. Đến nay, dù đã hết hạn đăng ký thang, bảng lương, song Công ty Huê Phong vẫn chưa thực hiện. Sự thiếu công khai, minh bạch ấy dẫn đến việc xét nâng bậc lương, tính tiền thưởng còn cảm tính, cào bằng; từ đó gây ra sự so bì, thắc mắc, khiếu nại trong nội bộ CN, làm cho tình hình càng rối ren hơn. |
Trong 12 ngày ngừng việc tập thể, một số CN đã có hành vi quá khích như ngăn cản đồng nghiệp vào làm việc; đập phá căng-tin. Chưa hết, tập thể CN cứ liên tục đưa ra những kiến nghị dù có nhiều kiến nghị hai bên đã thỏa thuận được. Điều này khiến các cơ quan chức năng lúng túng khi xác định nguyên nhân chủ yếu của tranh chấp. Tại cuộc họp chiều 22-4, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Trương Lâm Danh yêu cầu: “Nội dung nào đã thỏa thuận được thì phải tôn trọng. Nếu bức xúc, CN có thể gởi đơn kiến nghị CĐ cơ sở, LĐLĐ quận hoặc LĐLĐ TP đề nghị hỗ trợ, can thiệp. Chúng ta hành xử đúng luật thì việc giải quyết tranh chấp mới ổn thỏa”. |
Bình luận (0)