Dịp Tết vừa qua, gần 130 công nhân (CN) Công ty SB Intenational (quận Bình Tân, TP HCM) lâm vào cảnh khốn cùng vì bị nợ lương. Đã 4 tháng trôi qua kể từ khi ngừng việc tập thể để phản đối việc chậm trả lương của công ty, đến nay CN vẫn chưa nhận đủ tiền lương của mình như giám đốc hứa.
Lãnh đủ vì “ủy quyền”
Một cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Bình Tân cho biết tuy bà Đinh Phạm Dạ Thảo là giám đốc nhưng ông Huỳnh Thanh Linh, quản đốc phân xưởng, lại được ủy quyền tuyển dụng, trả lương cho CN và điều hành hoạt động của Công ty SB International. Khi việc nợ lương CN hơn 450 triệu đồng vỡ lở, dù có ủy quyền nhưng bà Thảo vẫn phải chịu trách nhiệm vì bà là đại diện pháp nhân theo pháp luật của công ty. Đáng nói hơn là ông Linh đã bỏ trốn.
Sau nhiều nỗ lực của các cơ quan chức năng quận Bình Tân, đến nay CN chỉ nhận được một phần nhỏ lương của mình. “Làm việc tại công ty từ tháng 9 đến tháng 12-2013 nhưng tôi không nhận được đồng lương nào. Công ty còn nợ tôi hơn 6 triệu đồng, sau nhiều lần hứa hẹn của giám đốc, tôi chỉ nhận được gần 1,6 triệu đồng. Gia đình tôi là hộ nghèo, tôi còn phải nuôi 3 đứa con ăn học, bị công ty quỵt lương, gia đình tôi vô cùng khó khăn” - CN Lê Thị Kim Hoa buồn rầu cho biết.
Còn tại Công ty Hoàng Vĩnh Kim (quận 12, TP HCM), bà Đặng Thị Phượng là đại diện theo pháp luật nhưng khi tranh chấp xảy ra, bà Phượng lại giao cho thuộc cấp giải quyết. Đơn cử như vụ tranh chấp với 6 nhân viên mới đây, từ việc thỏa thuận ký hợp đồng mới, đến làm việc với cơ quan chức năng cũng đều do 2 nhân viên là bà Lê Thị Hoài, Nguyễn Thị Thúy Hường đảm trách. Khi đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại công ty, giám đốc cũng không xuất hiện mà ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Minh Tân.
Tuy có nhiều người “được ủy quyền” điều hành như vậy nhưng qua kiểm tra, đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện công ty trốn đóng BHXH, không ký hợp đồng lao động; chưa đăng ký thang, bảng lương; thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động... Đồng thời, đoàn cũng thu thập được một số giấy tờ như bảng khai quá trình đóng BHXH, thông báo ngừng việc đối với nhân viên, nội quy công ty... đều do người Hàn Quốc ký nhưng những người này không hề có giấy phép làm việc tại công ty!
Quản lý từ xa!
Phản ánh với Báo Người Lao Động, các nhân viên Chi nhánh Công ty Sách báo Xunhasaba tại TP HCM bức xúc: “Cả năm chúng tôi cố gắng làm việc mong công ty có lãi để được thưởng Tết. Thực tế, năm qua, số lượng khách hàng vẫn ổn định nhưng Tết vừa rồi, công ty thông báo không thưởng vì lỗ khiến chúng tôi rất bất bình”.
Theo một cán bộ quản lý chi nhánh, tình hình tài chính của chi nhánh hiện rất phức tạp, nợ xấu nhiều, mất khả năng thanh toán. Số nợ phải trả là hơn 7,5 tỉ đồng nhưng số nợ phải thu hồi chỉ hơn 3,2 tỉ đồng và khó có khả năng thu hồi. Các nhân viên cho biết giám đốc ở Hà Nội, mỗi năm chỉ vào vài lần, mỗi lần khoảng 2 giờ rồi đi ngay. Muốn gặp hay trao đổi với giám đốc rất khó vì số điện thoại của vị này luôn bí mật, đến cấp quản lý cũng không biết. Khi cần, nhân viên trao đổi qua email hoặc fax. Thậm chí, việc bàn giao công việc kế toán trưởng chi nhánh cũng "không giống ai" vì được giám đốc chứng kiến… qua bản fax.
“Hiện tình hình công ty rất bi đát. Do công ty không trả nợ nên đối tác cắt hợp đồng, ngưng giao sách, khách hàng muốn mua sách nhưng không có sách để bán. Chúng tôi không có việc để làm, không có thu nhập và phập phồng lo sợ không biết công ty phá sản lúc nào” - một cán bộ quản lý chi nhánh chia sẻ.
“Chúng tôi đi làm dù khỏe hay mệt vẫn cố gắng bảo đảm ngày giờ công và chấp nhận tăng ca để kịp giao hàng theo yêu cầu của công ty. Vậy mà cả trăm con người nghèo khổ lại bị đẩy vào cảnh khốn cùng” - chị Đinh Thị Kim Thoa, CN Công ty SB International, chua xót nói.
Bình luận (0)