Đêm xuống, khi thành phố chìm vào giấc ngủ thì tại chợ đầu mối Bình Điền (quận 8, TP HCM), hàng ngàn con người vẫn miệt mài mưu sinh. Những người lao động ở đây đã quen với cuộc sống lấy đêm làm ngày. Đêm đêm, họ tìm đến khu chợ này để đem những giọt mồ hôi đổi lấy áo cơm…
Lấy đêm làm ngày
“Có thể nói Bình Điền là chợ đầu mối lớn bậc nhất TP HCM. Tôi đã từng làm ở nhiều nơi, thấy ít có nơi đâu nhộn nhịp như nơi này. Cậu phải thức đêm cùng chợ thì mới thấy hết sức sống của nó”. Anh Sang, quê tỉnh An Giang, vừa dắt tôi đi vừa kể.
Chợ bắt đầu hoạt động vào khoảng 22 giờ. Từ các ngả đường, những đoàn xe tải, xe máy chở các loại nông sản, tôm cá… nối đuôi nhau vào các khu nhà lồng. Hàng hóa được tập kết thành từng đống cao như núi. Những sọt trái cây, rau quả, những thùng tôm cá, thịt tươi xếp chồng chồng, lớp lớp. Đây cũng là thời điểm người lao động bắt đầu ngày làm việc của mình. Các công nhân bốc xếp nhanh chóng chuyển hàng hóa vào các vựa. Những chiếc xe đẩy chất cao các loại nông sản túa ra len lỏi khắp các ngõ ngách của chợ. Giữa biển hàng hóa mênh mông, những dáng người nhỏ bé, tất tả ngược xuôi, lưng áo ai cũng ướt đẫm mồ hôi.
Dân bốc xếp, đẩy xe ở chợ đầu mối Bình Điền là người tứ xứ. Hầu hết đều là lao động phổ thông vốn quen dãi nắng dầm mưa, chịu thương, chịu khó. Thấy tôi mới đi theo xe có vài vòng mà đã mướt mồ hôi, một anh bạn trong nhóm anh Sang cười: “Thấy chưa, tướng công tử như chú em làm sao mà theo nổi? Dân bốc xếp ở đây đa phần là người các tỉnh, nhất là miền Tây. Người thành phố làm không nổi đâu vì cực nhọc lắm!”.
Gần 3 giờ sáng, quanh khu vực thủy sản, nhiều nhóm khoảng 3-4 người tập trung ngồi làm cá ở góc chợ. Họ là những người làm cá thuê. Chú Hai, người Vĩnh Long, chia sẻ: “Chủ vựa trả 1.500 đồng cho mỗi ký cá. Một đêm mỗi người tụi chú làm trung bình khoảng trên trăm ký. Kiếm miếng ăn ở đâu cũng cực”. Nói rồi chú đưa cho tôi xem bàn tay teo tóp vì tiếp xúc lâu ngày với nước. Bên cạnh chú là đống phụ phẩm cá bốc mùi tanh nồng.
Đổ mồ hôi đổi miếng ăn
Công việc của người lao động tại chợ Bình Điền tuy vất vả nhưng số tiền họ kiếm được cũng chỉ đủ trang trải cho những nhu cầu thiết yếu. Những người đã lập gia đình, nuôi con nhỏ thì càng khó khăn hơn. Anh Sang cho biết: “Mỗi chuyến hàng tùy ít hay nhiều tôi được chủ trả cho từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng. Mỗi đêm sau khi đóng phí thuê xe kéo 20.000 đồng, tôi còn kiếm được trên 300.000 đồng. Đó là nhờ tôi làm lâu năm, có nhiều mối quen chứ những anh em mới vô nghề thì chỉ được phân nửa số đó”. Anh Sang cho biết thêm số tiền trên đối với người có vợ con như anh chỉ vừa đủ để xoay xở, nếu không nói là hơi “đuối” vì thứ gì cũng đắt đỏ.
Thu nhập của những người bốc vác “đẩy hàng vào chợ” như anh Sang còn kha khá, với những người “kéo hàng ra” thì ít hơn. Chị Thu, quê tỉnh Bình Định, cho biết mỗi đêm chị kiếm được khoảng 150.000 đồng, mỗi tháng được gần 5 triệu đồng. Chị cười: “Vẫn khá hơn công nhân trong các công ty, xí nghiệp”. Chị chi tiêu dè sẻn, còn để dành được chút ít phòng thân và gửi về quê cho gia đình.
Tôi gặp rất nhiều phụ nữ làm nghề kéo hàng như chị Thu ở chợ đầu mối Bình Điền. Sau một đêm vất vả, ai nấy đều mệt nhoài. Các chị tâm sự: Làm công việc này không có hợp đồng, bảo hiểm gì cả. Nếu rủi ro xảy ra chuyện gì thì mình tự chịu. Thức đêm lâu ngày rất hại cho sức khỏe nhưng trước mắt chẳng có việc gì khác có thể kiếm ra tiền nên đành phải chấp nhận. Về lâu dài, các chị mong tìm được một công việc khác nhẹ nhàng, ổn định hơn chứ sức phụ nữ không cho phép bám trụ lâu dài với nghề này.
Ước mơ ngày mai tốt đẹp hơn
Một cán bộ trong ban quản lý chợ cho biết tuy chưa có số liệu chính xác nhưng lượng lao động làm việc tại chợ Bình Điền năm sau luôn cao hơn năm trước. Tuy vất vả, nặng nhọc nhưng lúc nào cũng có việc để làm. “Trong thời buổi khó khăn như vầy, có việc làm là mừng rồi” - anh Năm, quê tỉnh Trà Vinh, nói. Còn chú Hai, khi chúng tôi hỏi về ước mơ, chú bộc bạch: “Đời chú coi như gắn với cái nghề làm cá thuê này rồi. Bây giờ chú chỉ biết ráng làm để lo cho mấy đứa nhỏ ăn học. Tụi nó mà có nghề nghiệp đàng hoàng, ổn định là chú mãn nguyện. Con hơn cha, nhà có phúc”.
Hơn 6 giờ sáng, đêm làm việc kết thúc. Mọi người lại lục tục kéo nhau trở về những khu nhà trọ sau một đêm trắng nhọc nhằn. Sự mệt mỏi hằn rõ trên những gương mặt bơ phờ vì thiếu ngủ. Trên tay họ là số tiền công vừa được lãnh. Tôi nhận ra trong những ánh mắt đỏ ngầu, lờ đờ vì thiếu ngủ vẫn lóe lên những niềm vui bởi lẽ ở đâu đó, những người thân yêu đang mong ngóng họ...
7.500 lao động bám vào chợ
Chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Bình Điền rộng 65 ha. Hiện tại, tổng lượng hàng hóa nhập về chợ bình quân 2.150 tấn/ngày đêm, giá trị giao dịch từ 82-87 tỉ đồng/đêm. Số nhân công làm việc cho 1.500 vựa ước tính khoảng 7.500 người.
Bình luận (0)